Việt Nam trước nguy cơ suy giảm nguồn nước mặt nghiêm trọng

March 31, 2010


 

 

Các tổ chức quốc tế về tài nguyên nước khuyến cáo ngưỡng khai thác cho phép tại các quốc gia chỉ nên giới hạn trong phạm vi 30% lượng dòng chảy, đồng thời cảnh báo rằng việc khai thác quá mức và biến đổi khí hậu đang làm cho nguồn tài nguyên nước mặt của Việt Nam đang bị suy giảm.


Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, hầu hết các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 50% lượng dòng chảy về mùa khô, khiến các dòng sông càng cạn kiệt. Riêng tại tỉnh Ninh thuận, các dòng chảy hiện bị khai thác tới 70-80%. Việc khai thác nguồn nước đã làm suy giảm nghiêm trọng về số lượng và chất lượng tài nguyên nước tại 7-8 lưu vực sông lớn của Việt Nam như sông Hồng, sông Thái Bình và sông Đồng Nai. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự gia tăng nhanh về dân số, khiến việc khai thác tài nguyên nước và các tài nguyên khác đất và rừng vượt quá mức cho phép.


Theo một thống kê gần đây, các lưu vực sông lớn như sông Cửu Long, sông Hồng - Thái Bình đều phụ thuộc phần lớn nguồn nước từ quốc tế. Cụ thể, lưu vực sông Cửu Long phụ thuộc vào 95% nguồn nước quốc tế trong khi lại sử dụng nhiều nước nhất, vì có tỷ lệ dự trữ thấp nhất, mật độ dân số cao nhất và có số hộ nghèo cao thứ hai trong cả nước. Lưu vực sông Hồng - Thái Bình phụ thuộc đến 40% nguồn nước từ Trung quốc chảy về, trong khi lượng nước bình quân đầu người thấp, mật độ dân số và số hộ nghèo cũng cao.


Tiến sĩ Tăng Đức Thắng thuộc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận xét: "Các dòng sông đang ngày càng khô cạn, nhất là ở miền Trung, là do con người lấy nước ở các hồ chứa cung cấp cho các hệ thống tưới nhưng lại không xả nước xuống bản thân lòng sông đó, thành ra lòng sông nhiều nơi khô cạn".


Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng khiến nguồn nước mặt của các con sông giảm đi, gây nên hiện tượng nhiễm mặn ở các dòng sông. Tiến sĩ Ngô Đình Tuấn của trường Đại học Thủy lợi giải thích: "Do cả tác động của con người và biến đổi khí hậu, các dòng sông đang cạn kiệt nghiêm trọng, khiến nước mặn đi sâu vào trong sông. Vấn đề này có hai khía cạnh. Thứ nhất là do nhiệt độ tăng thêm khoảng 0,6 độ C trong vòng một thập kỷ tới, làm cho quá trình bốc hơi nhanh hơn và dòng chảy giảm xuống. Giả sử mưa không thay đổi, hiệu số giữa mưa và bốc hơi là dòng chảy giảm xuống và tài nguyên nước mặt ít đi. Thứ hai là, khi nhiệt độ tăng cao khiến nhu cầu nước cho cây trồng-vật nuôi đều tăng, kể cả nhu cầu nước sinh hoạt của con người cũng cao hơn".


Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước và giảm thiểu tình trạng khô cạn nguồn tài nguyên này trên các lưu vực sông, Việt Nam cần coi trọng các biện pháp như xây dựng hồ chứa ở thượng lưu để điều tiết nguồn nước và vận hành theo quy trình hợp lý; xây dựng các công trình khai thác lấy nước mặt, nước dưới đất ở trung và hạ lưu các lưu vực sông nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và duy trì dòng chảy môi trường.

Theo AFP

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com