Nhức nhối nạn 'hoa hồng' du lịch

April 30, 2010

 
 

 

Giới lữ hành, điểm mua sắm và cả cơ quan quản lý đều "bó tay" trước vấn nạn "hoa hồng", dù nó đang làm suy yếu sức cạnh tranh và gây mất uy tín điểm đến Việt Nam.

Nhìn khách đã muốn… 'chăn dắt'

Một hướng dẫn viên (HDV) du lịch tại Hà Nội cho biết “hoa hồng” chiếm khoảng 25 - 40% thu nhập nên không ít người vừa nhìn thấy khách đã muốn… "chăn dắt". 

Ở Hà Nội các cửa hàng tranh cắt lại cho HDV 5 - 10%, tơ lụa 10 - 20%, thủ công mỹ nghệ 20 - 25%... Bà Trịnh Hoàng Vân, chủ cửa hàng Cự Thành (Hàng Gai - Hà Nội) cho biết, một số nhà ở tuyến phố tơ lụa này không niêm yết giá, khách đến cứ phán búa xua, tùy thuộc mức “hoa hồng” HDV đòi. 

Tại Sài Gòn, mức “hoa hồng” trả cao hơn khoảng 5%, và một số cửa hàng lưu niệm lớn còn trả tiền cửa. Cứ đổ khách xuống, tài xế xe 40 - 45 chỗ liền được "tặng" 200.000 - 300.000 đồng. Riêng các điểm dừng chân - mua sắm ở Hải Dương trả tới 35 - 40% do cạnh tranh lẫn nhau. Tất nhiên, chi phí phụ trội đều tính vào giá bán.

Ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Giám đốc khách sạn Thiên Hà (Hà Nội), bức xúc kể, có HDV thấy khách xem hàng lưu niệm ở dưới sảnh liền nói ngay trước mặt nhân viên bán hàng: “Ở đây bán đắt lắm” vì… trích lại “hoa hồng” thấp.

Giám đốc chào thua HDV

Một số doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách Nhật ký hợp đồng với điểm mua sắm, đưa cố định vào chương trình tour để thụ hưởng một phần “hoa hồng”. 

Ông Hoàng Nhân Chính, nguyên Giám đốc chi nhánh Công ty JTB-TNT tại Hà Nội cho biết, phía lữ hành chỉ thu về 10%, còn lại HDV hưởng 20% hoặc cao hơn để các “cậu trời” đỡ phá đám. 

Tuy nhiên, Giám đốc Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong Nguyễn Tuấn Quyền thừa nhận không thể kiểm soát vấn đề này. Công ty này ký hợp đồng với nhiều điểm mua sắm theo cơ chế cưa đôi “hoa hồng” với HDV. 

Song nhiều khi HDV báo kẹt xe không đến được điểm mua sắm chỉ định, hoặc vào loáng quáng không đủ thời gian để khách lựa chọn hàng! “Công ty cũng chỉ có thể nhắc nhở HDV bởi chẳng thể có chứng cứ vi phạm”, ông Quyền phàn nàn.

Bản thân các điểm mua sắm cũng chẳng ưa gì HDV. V.Đ.H “cạch mặt” các cửa hàng tranh ở Hà Nội vì chuyên “xì đểu” với khách: “Lúc khác quay lại đây một mình sẽ không mất phần trăm cho HDV”! 

Bà chủ DNTN thương mại Minh Anh (Hải Dương) bức xúc cho biết, một số HDV còn mang cả hàng lưu niệm lên xe bán cho khách. 

Ông Tạ Hữu Chiến, đại diện chi nhánh Công ty Du lịch Trần Việt tại Hà Nội, cho biết khách mua tour Thái Lan, Malaysia, không “thăm” siêu thị, cửa hàng lưu niệm phải trả thêm 35 - 50 USD, tour Trung Quốc trả thêm 200 - 300 tệ. “Công nghệ” làm du lịch của các nước này là điểm mua sắm trả tất cả “hoa hồng” cho lữ hành, giúp giảm giá tour trọn gói rất hữu hiệu. 

Một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho rằng, nếu không liên kết doanh nghiệp lữ hành - mua sắm để áp dụng “công nghệ” trên, hiệu quả Chiến dịch bán hàng giảm giá 2010 đang được Tổng cục Du lịch phát động chỉ ở mức… nửa chừng! 

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Vũ Thế Bình nhận xét chưa thể áp dụng “công nghệ” của nhiều nước lân cận bởi loại hình du lịch mua sắm ở Việt Nam tồn tại quá nhiều tiêu cực.

 

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com