Tiếc thương NS Xuân Oanh-trái tim nhân hậu luôn ca hát

March 30, 2010


Những ngày nằm trên giường bệnh, bạn bè đến thăm thường nói với ông rằng: "Xuân Oanh ngày xưa oanh liệt lắm". Ông cười hóm hỉnh và viết ra giấy rằng: "Ngày xưa là oanh liệt, bây giờ là Oanh "liệt" (nghĩa là ông phải nằm bất động).

Chiều những ngày cuối tháng Ba dịu nhẹ, trong căn nhà tập thể đã cũ số 54 Quán Sứ - nơi mà nhạc sĩ Xuân Oanh (người sáng tác ca khúc “19 tháng Tám”) đã gắn bó trọn một đời mình cho đến ngày ra đi (4/1/1923 - 27/3/2010), con cháu ông tựu họp đông đủ và như để nhớ về ông họ cùng nhau ôn lại những kỉ niệm về người cha, người ông đáng kính. Đôi mắt đỏ hoe, người đã tận tình chăm sóc và bên cạnh ông trong những ngày cuối đời, bà Đỗ Thị Dung – người sống ngay cạnh nhà ông, cứ thủ thỉ với tôi những câu chuyện thường ngày về người anh trai của mình.

Nhà ngoại giao, nhạc sĩ Xuân Oanh

Một người cha tuyệt vời

Nhạc sỹ Xuân Oanh có 3 người con trai và hiện nay các anh đều thành đạt.

“Cha tôi không bao giờ bắt ép con làm theo ý mình, những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời chúng tôi, đều được ông khuyên nhủ và quyết định cuối cùng vẫn thuộc về chúng tôi” – anh Đỗ Lê Châu, người con trưởng của nhạc sỹ Xuân Oanh nhớ về cha mình như thế.

“Ngay cả chuyện tình duyên, vợ chồng của con cái, cha cũng để chúng tôi tự quyết định. Khi tôi yêu người con gái nào, tôi biết, cha cũng sẽ yêu người ấy và ủng hộ tôi” – anh Đỗ Lê Chi, người con trai út của nhạc sỹ Xuân Oanh nói về người cha thân yêu.

“Chúng tôi nhìn tấm gương của cha và biết mình phải tự lập, tôi vẫn nhớ lời dặn dò của cha khi còn nhỏ “Khi làm gì, con hãy làm hết mình và cố gắng hết mình vì nó” – có lẽ đó chính là chìa khóa thành công mà nhà ngoại giao Xuân Oanh đã trao cho những người con trai của mình bằng chính tấm gương lao động miệt mài trong suốt cuộc đời ông.

Thông thạo 7 ngoại ngữ, dịch không biết bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật, sáng tác nhạc, thế nhưng cho đến tuổi 87, Xuân Oanh vẫn say mê đọc sách, vẽ tranh và dịch thuật cho các báo, tạp chí. Trong góc căn hộ tập thể giản dị, bên cạnh giá sách cao ngất với hàng trăm cuốn sách ngoại ngữ, tôi ngậm ngùi khi nhìn thấy hai bức tranh mùa thu mà Xuân Oanh còn đang vẽ dở… “Trước tết, cha cũng đi mua nhiều sách lắm, nhưng sách chưa kịp đọc hết thì người đã đi rồi” – anh Đỗ Lê Chi tâm tình.

Một trái tim nhân hậu

Xuân Oanh vẽ nhiều tranh nhưng bây giờ trong nhà chẳng còn bức nào, không phải ông bán hết mà bởi vẽ xong bức nào là ông ấy đem cho bức ấy. Hễ có bạn đến nhà, khen bức kia hay nhỉ, hay bức này đẹp nhỉ thì ngay lập tức Xuân Oanh gói gém tranh cho họ mang về. Thấy em gái mình thắc mắc thì ông chỉ cười và nói “người ta vui là tôi cũng vui rồi”. Bây giờ tranh và các tác phẩm dịch thuật của Xuân Oanh cứ phân tán đi hết, con cháu có muốn tìm lại có lẽ phải tìm đến những người bạn của ông.

Nói đến bạn của Xuân Oanh, dù là nhạc sỹ và một nhà ngoại giao nổi tiếng, thế nhưng đối với những người lao động, hay người già, trẻ nhỏ ông cũng có thể chơi thân và ngược lại được họ yêu quí, kính trọng. “Có lần ông ấy mua cả hàng chục cái bánh pizza về cho bà con trong xóm. Lại có những lần thấy lũ trẻ thích ăn kem, ông ấy ra siêu thị mua hàng mấy chục chiếc về để trong tủ lạnh, hễ trẻ con đến nhà là tíu tít đòi quà” – bà Đỗ Thị Dung vừa mỉm cười vừa nói khi nhớ lại những hành động mà bà cho là “đáng mến và đáng yêu” của anh trai mình.

Các con ông kể, năm 2000, khi được nhận 20 triệu đồng – tiêu chuẩn cho cán bộ tiền khởi nghĩa, ngay lập tức ông chuyển số tiền đó để ủng hộ đồng bào Sông Cửu Long đang bị lũ lụt.

Một trái tim luôn biết hát

Xuân Oanh thích sống một mình và sống tự lập. Ngay cả khi về già, ở tuổi 80 ông vẫn tự nấu nướng lấy, ăn những món mình thích, tụ họp bạn bè và vẽ tranh, dịch sách, sáng tác nhạc. Buổi sáng thức dậy với 1 tách café, 1 cốc ngũ cốc dinh dưỡng. Buổi trưa ăn hai bát cơm trắng với khi thì thịt kho tàu, khi thì canh dưa nấu sườn hay đậu rán tẩm hành. Buổi tối, ông chỉ ăn nhẹ nhàng, qua loa. “Như thế mới khoa học” – bà Đỗ thị Dung nhắc lại lời của anh trai - “Chỉ khi lâm bệnh, ông mới chịu để tôi chăm sóc, nấu nướng. Có lẽ do sinh ra từ vùng biển Quảng Ninh nên ông ấy thích nhất là món cá bống kho.”

Có lẽ chính vì sự sinh hoạt, làm việc và ăn uống điều độ như thế nên cả đời, Xuân Oanh chưa phải vào viện hay ốm đau lần nào trừ tháng cuối cùng của cuộc đời ông, khi ông đi xét nghiệm và phát hiện ra mình mắc bệnh hiểm nghèo. Từ những ngày rằm tháng 7 năm ngoái, thấy Xuân Oanh có dấu hiệu hắt hơi và hơi sốt nhẹ vào buổi chiều, người em gái của ông đã sốt sắng giục ông đi khám bệnh. Thế nhưng, một người lạc quan như Xuân Oanh lại chỉ cười và nói: “Tôi chỉ viêm họng thôi mà, uống vài viên thuốc là khỏi, cả đời, tôi đã ốm bao giờ đâu”.

Thế nhưng cho đến ngày 22/2/2010, dường như có linh cảm không lành về tình trạng sức khỏe của mình, Xuân Oanh không khăng khăng từ chối như những lần trước mà nhẹ nhàng đồng ý để con trai ông đưa đi khám bệnh. Biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng ông vẫn hóm hỉnh cười, tếu táo mà chơi chữ rằng “Đời Xuân Oanh thế là “oanh liệt” (chữ “liệt” trong câu nói của ông mang nghĩa là không đi lại được nữa). Những ngày nằm trên giường bệnh dù rất đau nhưng ông vẫn cười đùa và nói những câu hóm hỉnh với con cháu và người thân.

“Ông Xuân Oanh hay mặc quần bò và áo kẻ caro, miệng lúc nào cũng cười tươi lắm. Nhìn đằng sau, đố ai biết được ông ấy đã ở tuổi gần 90 rồi. Tôi hay sang nhà ông uống rượu và nói chuyện với ông về tranh sơn dầu” – một người chủ hàng tranh trên phố Quán Sứ cũng là một trong những người hàng xóm nhớ lại.

Nhạc sỹ Xuân Oanh đã ra đi, nhẹ nhàng như một chiếc lá, chiếc lá xanh đầy sức sống trong bầu trời nghệ thuật và lĩnh vực ngoại giao của Việt Nam, bây giờ đã trở về với mây gió, đất trời, thanh thản và bình an, không còn những trăn trở, nuối tiếc cõi nhân gian bởi trái tim và trí óc ông đã sống hết mình cho đời, cống hiến hết mình cho đất nước.

Hà Giang (Vietnamnet)

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com