Tháp cổ Hồ Gươm và sự xâm hại của giới trẻ

April 28, 2010

 
 

 

Được xây dựng để khẳng định cái “tôi” của triều đại, Tháp Bút là biểu tượng cho tri thức, văn chương của một thời Tự  Đức thứ 18 (1865), Hòa Phong tháp cũng mang dấu ấn của nhà Nguyễn (thời Thiệu Trị 7, 1847) trên đất Thăng Long. Hai ngôi tháp cổ ấy giờ đây còn là nơi lưu dấu về cái “tôi” thiếu văn hóa của rất nhiều bạn trẻ.

Người Hà Nội bao đời nay vẫn tự hào về một Hồ Gươm xanh mát. Ấy là nơi gắn với tích trao kiếm của vua Lê. Bên hồ có tháp bút “tạc thơ lên trời xanh”, tháp Hòa Phong của một thời xưa cũ cũng trở thành niềm tự hào của con dân đất Việt. Những ngọn tháp ấy đã hiên ngang chống chọi với sự băng hoại của thời gian. Hơn 200 năm nay, vẫn đẹp uy nghi giữa lòng Hà Nội. Nhưng vẻ nguyên sơ, sự cổ kính của những di tích đã được xếp hạng ấy đang bị chính bàn tay con người dần làm hoen ố.


Hòa Phong là ngọn tháp cổ xưa nằm bên hồ Hoàn Kiếm, đối diện với bưu điện Hà Nội. Ngọn tháp được xây dựng đã hơn 200 năm. Với kiến trúc độc đáo và giá trị lịch sử lâu đời, tháp Hòa Phong đã trở thành một trong những di tích được xếp hạng. Chứng kiến bao thăng trầm đổi thay của Hà thành, tháp Hòa Phong đã mang trong mình hơi thở của đất kinh kỳ xưa, là niềm tự hào của người Hà Nội.

Thế nhưng, giờ đây, đứng trước ngọn tháp này, bao kẻ mê mẩn bởi cái đẹp cổ kính của đất Thăng Long chẳng khỏi xót xa. Những cái tên: Mai, Thùy…, những số phone 0976293xxx, những tên nick…cứ thế chen chúc, đè lên nhau nổi bật trên nền tường tháp rêu phong. Không biết bao nhiêu trái tim kèm lời yêu thương đã được tô vẽ lên đó. Từ vòm tháp đến mặt tường chỉ thấy chi chít những chữ nghệch ngoạc. Ngay biển “Di tích tháp Hòa Phong đã xếp hạng - Cấm vi phạm” cũng không thoát khỏi số phận bị vẽ bừa. Trên mặt biển vẫn nhòe nhoẹt dòng chữ “cầu mong đỗ Cao Bá Quát” ai đó đã khắc lên. 

Ngoài  tháp Hòa Phong, tháp Bút cũng sừng sững ngự trước đền Ngọc Sơn, bên hồ Gươm xanh đẹp. Đây là biểu tượng văn chương, biểu tượng của trí tuệ. Vì thế, bao kẻ đã đua nhau trèo cao 4m để được tận tay sờ vào chiếc bút thần kỳ “viết chữ lên trời xanh” ấy cầu học giỏi và hạnh phúc. Ngay cả những em nhỏ mới ở tuổi 4, 5 cũng được mẹ cha cổ vũ trèo qua những phiến đá đã trơn mòn vì mưa gió và chân người để chạm tay vào bút tháp. Là di tích lịch sử đã được xếp hạng, nhưng cũng giống như tháp Hòa Phong, Bút tháp đang bị bôi bẩn bởi bàn tay con người. Trên nền văn tự chữ Hán được chính tay thầy học Nguyễn Văn Siêu khắc chìm nổi lên bật những dòng chữ trắng của lời cầu “học giỏi”.

“Sao cháu lại viết bừa lên di tích?”; “Cháu thấy các bạn viết rất nhiều ở đây nên cũng làm theo thôi”. Nhiều bạn trẻ ngày nay cứ vô tình viết lên di tích như thế.

Có nhà tâm lý học đã giải thích về hiện tượng giới trẻ vô tư vẽ bừa lên di tích rằng: Họ đang ở tuổi lớn, muốn khẳng định sự tồn tại và cái “tôi” của mình. Đó cũng là một lý giải hợp lý. Song có lẽ phần nhiều là do các bạn trẻ này chưa hiểu được hết giá trị lịch sử cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn những di tích này. 

Nhắc về tháp Hòa Phong, người ta nghĩ ngay đến dấu tích duy nhất còn sót lại của chùa Báo Ân - ngôi chùa bề thế nhất Hà thành thế kỷ 19. Chùa được khánh thành năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) trên nền cũ của lầu Ngũ Long trong phủ chúa Trịnh.

Tháp Hòa Phong nằm trên con đường dẫn vào cổng chùa ở phía đông. Tháp hình vuông gồm có 3 tầng. Ở tầng 1 có cửa mở về bốn hướng theo lối vòm cuốn. Phía trên các cửa có những chữ như: Báo Ân môn - Báo Nghĩa môn - Báo Đức môn - Báo Phúc môn. Tầng hai, bốn góc xây trụ vuông đặt tượng bốn con nghê đều hướng về phía đông. Tầng ba ghi “Hòa Phong Tháp”, trên đỉnh nhô cao có trang trí bầu hồ lô.

Đây là một kiểu tháp rất ít thấy trong kiến trúc Phật giáo. Tầng 1 to và cao hơn hẳn hai tầng trên cùng. Mặt khác đây cũng không phải là tháp đựng xá lị phật tăng vì vốn nằm ở cổng chùa chứ không phải trong vườn tháp.

Tháp Hòa Phong nói riêng và chùa Báo Ân nói chung là một trong những công trình mang dấu ấn của nhà Nguyễn trên đất Thăng Long. Đồng thời cũng tiêu biểu cho dòng tư tưởng “Cư Nho Mộ Thích” (theo đạo Nho và mộ đạo Phật) thịnh hành trong thời Nguyễn. Người đại diện cho tư tưởng này chính là quan tổng đốc Nguyễn Đăng Giai, người chủ trị việc dựng chùa, con trai nhà Nho học- thiếu sư Nguyễn Đăng Tuân, thầy học của vua Thiệu Trị.

Chùa Báo Ân ngày nay không còn do bị thực dân Pháp phá  hủy (1889) để xây phủ thống sứ vào tòa nhà bưu điện (nay là Nhà khách chính phủ và Bưu điện Hà Nội. Thế nhưng tháp Hòa Phong vẫn trường tồn theo thời gian, chứng kiến bao sự đổi thay của Hà thành và trở thành một nét vẽ đẹp trong quang cảnh hồ Gươm. 

Cũng giống như tháp Hòa Phong, trong trái tim mỗi người Hà thành, tháp Bút chính là niềm tự hào to lớn. Tháp được xây năm Tự Đức thứ 18 (1865) do án sát tỉnh Hà Nội Đặng Huy Tá cùng với người tiền nhiệm của mình là nhà nho Nguyễn Văn Siêu cùng góp sức làm. 

Tháp dựng trên ngọn núi do đá xếp (tượng trưng cho núi Độc Tôn cũ), đường kính 12m, cao 4m. Tháp vuông có năm tầng, cao 28m. Đỉnh là một ngòi bút lông dựng ngược. Cả cán và ngòi bút cao 0,9m. Trên thân ba tầng giữa có khắc theo chiều dọc ba chữ Tả Thanh Thiên mang nghĩa "Viết lên trời xanh"...

Khắp Việt Nam, không đâu có bút tháp và đài nghiên nổi tiếng như ở Hà Thành. Danh tiếng này không chỉ bởi tầm cỡ to lớn của công trình mà còn bởi giá trị tư tưởng của nó. Cụm kiến trúc tháp Bút biểu dương văn chương, nhưng đồng thời cũng để biểu dương võ công của chúa Trịnh. “Núi là biểu tượng của chiến công mà tháp là biểu tượng của văn hóa.

Tháp Bút và Hòa Phong, hai ngôi tháp hơn 200 tuổi, một biểu trưng cho tri thức, văn hóa; một là dấu ấn cuối cùng của ngôi chùa bề thế nhất Hà Thành xưa. Cả hai đều là những di tích lịch sử đã được xếp hạng, mang đậm nét văn hóa của người Tràng An. Sự khắc nhiệt của gió mưa không phá nổi vẻ đẹp nguyên sơ của tháp cổ, nhưng chính bàn tay những người trẻ ngày nay lại đang hủy hoại dần hai công trình là niềm tự hào dân tộc ấy. Không bảng ghi chú “cấm vẽ lên di tích”; không bảo vệ nhắc nhở, chỉ có những kẻ vốn say lòng bởi cái đẹp cổ kính của Hà Thành xưa xót xa trước thực trạng đau lòng. 

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com