Hà Nội-Thái Lan hợp tác giao dịch Chứng khoán

January 26, 2010

 

 

Việt Nam vừa ký với Thái Lan một Biên Bản Ghi Nhớ (MOU) nhằm xây dựng khung hợp tác giữa Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thái Lan (SET).

Biên Bản Ghi Nhớ

Việc ký kết này nhằm để khai thác cơ hội kinh doanh và đầu tư cho các thành viên thị trường của mỗi bên. Biên Bản Ghi Nhớ với thời hạn 5 năm, mà Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội ký với Sở Giáo Dịch Chứng Khoán Thái Lan, có mục đích tìm kiếm và mời gọi đối tác kinh doanh từ Thái Lan vào Hà Nội.

Theo bà Nattaya Muangman, phụ trách thông tin của Sở Giao Dịch Chứng Khoán ở Bangkok:

Thì ngoài việc trao đổi kiến thức về thị trường, điểm quan trọng hàng đầu của Biên Bản Ghi Nhớ này là tìm kiếm cũng như hướng tới các phương cách đầu tư mới mà doanh nghiệp hai nước có thể  tận dụng.   

Nội dung trong  Biên Bản Ghi Nhớ cho thấy Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng cường nhiều mặt như trao đổi thông tin, đẩy mạnh hợp tác trong việc đào tạo và phát triển, khai thác những cơ hội kinh doanh cho các thành viên của thị trường mỗi bên.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây từ  Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thái Lan , khoảng 43% công ty Thái có ý muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam . Mặt khác, những công ty chưa từng đầu tư thì vẫn đang nghiên cứu và khảo sát cơ hội cũng như điều kiện để bước vào thị trường Việt Nam.

Thực tế thì trước nay doanh nghiệp Thái Lan có phần thiên về thị trường kinh doanh ở thành phố Sài Gòn hơn là ở Hà Nội. Tiến sĩ Trần Đắc Sinh, tổng giám đốc Sở Giao Dịch Chứng Khoán thành phố Sài Gòn, cho biết:

Nhiều doanh nghiệp ở Thái Lan thí dụ tập đoàn  CB Group chuyên về thức ăn gia súc, gia cầm và vấn đề sản xuất nông nghiệp cho nên người ta đầu tư lớn và thành công lắm. Hay là khu công nghiệp Amata thì hoàn toàn doanh nghiệp Thái Lan là nhiều. Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thái Lan qua đây họp thì thỉnh thoảng người ta vẫn đến thăm khu công nghiệp Amata đó.

Nếu so sánh với  thành phố Sài Gòn thì thị trường chứng khoán của Hà Nội có gì khác?  Điều gì cần cải tiến? Tổng giám đốc Trần Đắc Sinh của Sở Giao Dịch Chứng Khoán thành phố Sài Gòn phân tích:

Thị trường Hà Nội là thị trường bé, thị trường phụ, chỉ  chiếm 25%. Nói chung ở đây thị trường chính là thành  phố Sài Gòn. Hà Nội chỉ làm ba cái lặt vặt công ty nhỏ công ty chưa niêm yết rồi trái  phiếu này nọ cũng chưa ra cái gì. Nhưng mà về lâu về dài thì phải có thị trường. 

Vậy thử xem lý do nào các công ty Thái Lan có niêm yết thì chỉ niêm yết ở thành phố Sài Gòn chứ không niêm yết ở Hà Nội?

Một bên là hàng hóa chất lượng thấp, tiêu chuẩn niêm yết thấp , tất cả các thứ thấp. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chọn thành phố Sài Gòn chứ đâu có chọn Hà Nội. Hà Nội là những công ty chưa đủ điều kiện niêm yết, công bố thông tin kém nên người ta không để ở Hà Nội. Còn ở đây là những công ty lớn, công ty minh bạch, công ty đại chúng đàng hoàng thì người ta tập trung về thành phố Sài Gòn. 

Thị trường Hà Nội chủ yếu về lâu về dài thì  người ta sẽ làm công ty đại chúng và trái phiếu chưa niêm yết, chưa đủ điều kiện niêm yết (UPCoM) ở đây. Đấy là những công ty dưới tám mươi  tỷ đồng Việt Nam, chỉ bằng 25% trong này thôi. Tất cả những cái niêm yết lớn đều nằm trong này. Thành phố Sài Gòn là trung tâm tài chính cả nước,  chiếm 75% , xác định như vậy.

Kết nối ASEAN

Trở lại với những ích lợi của sự hợp tác thông qua Biên Bản Ghi Nhớ ký kết giữa Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thái Lan  (SET), ông Trần Đắc Sinh giải thích rằng hợp tác với thị trường chứng khoán Thái Lan có nghĩa là chuẩn bị kết nối các nước ASEAN với nhau, hỗ trợ thông tin, giúp nhau về vấn đề kỹ thuật để tạo một thị trường chứng khoán giữa hai quốc gia trong ASEAN:

Việt Nam mà lớn mạnh lên thì Thái Lan cũng mừng thôi vì mình không lấy của họ cái gì và họ cũng chả lấy của mình cái gì mà chỉ hỗ trợ nhau để cùng một ASEAN lớn mạnh. Nói chung về thị trường chứng khoán thì Việt Nam mình còn nhỏ hơn Thái Lan, nhưng mà đuổi kịp Thái Lan là cái việc nằm trong tầm tay của mình, có nghĩa rằng Việt Nam với Thái Lan giúp nhau để thị trường phát triển càng nhanh càng tốt, hỗ trợ để cuối cùng có một sự kết nối liên thông thị trường tài chính đến năm 2015 theo ký kết giữa các nước ASEAN với nhau. Các nguyên thủ ASEAN đã thống nhất với nhau thì bây giờ là chúng tôi làm những chuyện như vậy.  

Sở giao dịch chứng khoán hai phía sẽ niêm yết song song một khi các qui định pháp luật của hai thị trường cho phép. Dưới mắt ông Trần Đắc Sinh, thị trường Thái Lan tương đối mở  hơn thị trường Việt Nam:

Thị trường Việt Nam  đến năm 2012 cũng sẽ mở y như Thái Lan. Nhưng mà cũng có nhiều cái  Thái Lan quản lý chặt hơn mình.  Đúng ra thành lập công ty chứng khoán thì Việt Nam mình là mở hơn Thái Lan đó. Thái Lan cứ hay bảo người  ta chỉ cần một số công ty chứng khoán như vậy là đủ. Việt Nam mình thì muốn bao nhiêu công ty chứng khoán cũng được. Cứ ra cạnh tranh, nếu làm được thì tốt còn không thì anh tự phá sản.

Hiện Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX) đang vận hành ba thị trường riêng biệt cho cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và chứng khoán của các công ty chưa niêm yết(UPCoM).

Theo số liệu trong nước, đến cuối 2009, tổng giá trị vốn hóa thị trường niêm yết đạt 135.000 tỷ đồng, tức 7 tỷ đô la, tương đương 10% GDP.


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com