Siết chặt quản lý lao động nước ngoài

March 24, 2010

 

 

 (BBC) - Từ tháng 7 tới, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Việt Nam sẽ đưa ra áp dụng Nghị định sửa đổi bổ sung về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài.

Các sửa đổi bổ sung mới nhằm lấp kín các lỗ hổng trong khung luật định về lao động nước ngoài với mục tiêu siết chặt quản lý.

Theo dự thảo nghị định này, lao động ngoại quốc làm việc tại Việt Nam trên ba tháng mà không có giấy phép sẽ không được cấp hoặc gia hạn thị thực tạm trú, thậm chí bị buộc xuất cảnh.

Sáu tháng sau khi nghị định này có hiệu lực, tức cuối năm nay, tất cả số lao động nước ngoài không có giấy phép và không làm thủ tục xin phép cũng sẽ bị buộc xuất cảnh.

Đối với lao động có kinh nghiệm được thuê để làm công tác điều hàng sản xuất trong các doanh nghiệp, công ty, thì công ty xí nghiệp thuê dụng phải có giấy chứng thực những người này có ít nhất 5 năm kinh nghiệm quản lý.

Nghị định mới sửa đổi bổ sung cũng đòi hỏi các nhà thầu và nhà đầu tư phải cung cấp thông tin chi tiết đã thuê mướn bao nhiêu lao động nước ngoài.

Những con số này phải được cung cấp cho cơ quan chức năng để tạo điều kiện cho công tác quản lý.

Nếu bị phát hiện vi phạm, các công ty thuê người nước ngoài có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Theo quy định mới, lao động nước ngoài muốn làm việc ở Việt Nam phải trên 18 tuổi, không có tiền án tiền sự và có giấy phép.

Thống kê chính thức nói có gần 60.000 người nước ngoài lao động hợp pháp ở Việt Nam.

Con số lao động bất hợp pháp, theo một thống kê khác, là khoảng 2 vạn.

Với tư cách là quốc gia xuất khẩu lao động, Việt Nam chủ trương không nhận lao động phổ thông.

Tuy nhiên, tình trạng lao động nước ngoài không phép, nhiều người trong số đó là lao động phổ thông, vào Việt Nam làm việc thời gian gần đây đã gây bức xúc trong dư luận.

Năm ngoái báo trong nước trích nguồn từ Bộ Công an cho hay hiện có trên 35.000 lao động người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam. Thông tin này gây chú ý, nhất là khi giới chức xác nhận số lao động này tập trung ở "ở một số địa bàn trọng điểm như Sài Gòn, Tây Nguyên và miền Trung".


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com