Quần đảo Hoàng Sa là điểm nóng trong quan hệ Việt-Trung

January 19, 2010


 

 

Trước một loạt hành động mới đây của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là ở Quần đảo Hoàng Sa, Giáo sư Ngô Vĩnh Long - chuyên gia về Trung Quốc của trường Đại học Maine (Mỹ) - cho rằng Việt Nam cần tranh thủ thế mạnh là có cơ sở pháp lý vững chắc hơn Trung Quốc rất nhiều để tuyên bố chủ quyền và công khai hóa vấn đề này trước dư luận.


Vào hạ tuần tháng 12/2009, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật bảo vệ hải đảo, có giá trị pháp lý đối với cả hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc đã phái hai tàu tuần tra cỡ lớn đến đảo lớn nhất ở Hoàng Sa để “bảo vệ quyền lợi” của ngư dân Trung Quốc. Năm 2009, dân chài Việt Nam đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống của họ gần Hoàng Sa đã nhiều lần khốn đốn vì bị lực lượng Hải quân Trung Quốc bắt giữ, tàu bè bị tịch thu và phải nộp tiền chuộc khá cao. Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm với một tập đoàn dầu khí của Anh để cùng khai thác một lô thuộc khu vực bồn địa gần Hoàng Sa. Gần đây nhất, Bắc Kinh đã công bố chủ trương phát triển du lịch ở đảo Hải Nam của Trung Quốc và mở rộng du lịch tại Quần đảo Hoàng Sa.

 

Giáo sư Long cho rằng đằng sau chiêu bài tổ chức du lịch đến Hoàng Sa là thâm ý chiến lược của Trung Quốc mượn cớ du lịch để thu thập dữ liệu cho hải quân và không quân Trung Quốc, trong trường hợp phải tung quân xuống các vùng hải đảo phía Nam. Theo nhật báo "Bưu điện Hoa Nam buổi sáng" của Hồng Công ra ngày 6/1, Bắc Kinh quyết tâm xúc tiến phát triển du lịch ở Hoàng Sa, bất chấp tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền ở quần đảo này.


Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, bất chấp tuyên bố về "Quy tắc ứng xử Biển Đông" đã ký với ASEAN, Trung Quốc ngày càng đưa ra những quyết định đơn phương đòi chủ quyền ở Biển Đông nói chung, đặc biệt là ở Hoàng Sa. Hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Hoàng Sa nhằm thăm dò phản ứng của Việt Nam và để che đậy những yếu kém về cơ sở lịch sử, pháp lý biện minh cho đòi hỏi chủ quyền của họ. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 bằng vũ lực. Xét về mặt lịch sử và pháp lý, trong vấn đề Hoàng Sa, Trung Quốc ở thế yếu chứ không phải thế mạnh.


Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, đối sách tốt nhất trước thái độ chèn ép của Trung Quốc là Việt Nam phải công khai hơn nữa vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, để dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ, qua đó gây sức ép với Trung Quốc.

 

Theo RFI

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com