Nhu cầu nhân lực trong phát triển kinh tế ở Việt Nam

January 19, 2010


 

 

Nhu cầu nhân lực là điều kiện tất yếu trong phát triển kinh tế của Việt Nam và hội nhập với thế giới, song cũng là điều bất cập tồn đọng mà nếu không vượt qua được và không đầu tư đủ thì kinh tế Việt Nam không thể phát triển theo xu hướng và chỉ tiêu đề ra. Đó là nhận định của Giáo sư Hà Tôn Vinh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cũng là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục Đào tạo Stellar Management ở Việt Nam.


Giáo sư Hà Tôn Vinh cho biết Việt Nam là một nước đang phát triển, nên cần cơ sở, nhân lực, nguồn tài chính và quản lý. Ở những công ty lớn của Việt Nam, đặc biệt là các công ty nhà nước, đội ngũ quản lý hay những người làm lãnh đạo thường là những người đã sống nhiều năm trong nền kinh tế phi thị trường nên cái nhìn của họ về thị trường khác hơn với những cái nhìn từ bên ngoài vào. Cái khó trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam là thiếu người quản lý có kỹ năng và kinh nghiệm. Trong những năm 1997-1998, những khái niệm hoặc những kinh nghiệm của nền kinh tế thị trường không có nhiều, và khi bắt đầu hội nhập, họ bắt đầu làm việc với các tổ chức, cơ quan nước ngoài, nhất là các đối tác nước ngoài thì họ cần biết những thông tin và những kinh nghiệm đó.


Khi được hỏi liệu nhu cầu về nguồn nhân lực ở Việt Nam có đủ để đáp ứng đà phát triển của nền kinh tế và phát triển trong xã hội hiện giờ hay không? Giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng Việt Nam có 3 vấn đề: Chưa đào tạo kỹ, đủ cho nhu cầu của doanh nghiệp và của nhà nước hiện nay; chưa đào tạo nhân lực và con người từ thợ đến thầy đúng theo nhu cầu của thị trường và chưa đủ cho nhu cầu thị trường; chưa đào tạo cho tương lai. Những tập đoàn kinh doanh, những doanh nghiệp hay thành phần trẻ muốn vươn lên trong nền kinh tế đang phát triển ở Việt Nam nếu không ý thức được điều này thì chắc chắn sẽ không tồn tại được. Muốn có một nguồn nhân lực phù hợp, đủ và có thể cạnh tranh được thì phải tái đào tạo.


Theo giáo sư Hà Tôn Vinh, trong một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam không thể nói là chỉ đào tạo tiến sĩ hay thạc sĩ mà còn cần phải đào tạo từ thợ đến thầy. Tiến sĩ rất cần cho nghiên cứu, giảng dạy, nhưng đào tạo tiến sĩ thì thừa xét theo nhu cầu làm chuyên môn. Việt Nam cần phải đẩy mạnh vấn đề đào tạo cao đẳng, đào tạo nghề, đào tạo cao học. Chi phí để đào tạo một tiến sĩ là rất lớn trong khi có thể dành số tiền đó để đào tạo nhiều thạc sĩ vì Việt Nam chưa cần quá nhiều tiến sĩ mà cần nhiều thạc sĩ, cần nhiều người ở cấp cao đẳng.


Giáo sư cho rằng đào tạo con người không phải là việc một sớm một chiều vì việc này mất rất thời gian, nhất là đào tạo con người quản lý, lãnh đạo và chuyên môn. Do vậy, Việt Nam cần phải bắt đầu ngay. Các doanh nghiệp cần phải có những chương trình, ngay cả cấp lãnh đạo cũng phải học lại để tránh trường hợp "lệch pha" giữa tầng lớp lãnh đạo cũ vốn được đào tạo rất bài bản trong nền kinh tế tập trung nhưng lại không được đào tạo bài bản trong nền kinh tế thị trường với tầng lớp quản lý được đi học để nâng cao trình độ hiểu biết và chuyên môn. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa là đào tạo mà không chịu đầu tư nhất là đầu tư tài chính - những vấn đề cần phải được khai thông. Việt Nam phải chấp nhận tư duy mới và chấp nhận sự thực là nếu không đào tạo từ bây giờ thì Việt Nam không thể phát triển, cạnh tranh và vươn lên được vì đây là một công việc mất thời gian, tốn kém và cần được đầu tư.

 

Theo RFA

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com