Qua cầu Mỹ Thuận nhớ bến phà năm xưa

January 19, 2010


 

 

Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền Giang ở đồng bằng sông Cửu Long được khởi công xây dựng ngày mùng 6 tháng 7 năm 1997 và hoàn thành vào ngày 21 tháng 5 năm 2000.

Cây cầu này là một kết nối quan trọng của Quốc lộ 1A nối đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn. Đồng thời cầu Mỹ Thuận cũng giúp cho việc giao thông giữa các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long với phần còn lại của đất nước, chứ không chỉ riêng Sài Gòn, được tiện lợi, dễ dàng, và nhanh chóng.

Mỹ Thuận là tên của một ngôi làng nhỏ nằm bên tả ngạn sông Tiền. Từ những năm 1930 xe cộ và khách bộ hành phải dùng phà để qua hữu ngạn, thuộc tỉnh Vĩnh Long, và bến phà được gọi với cái tên quen thuộc là bắc Mỹ Thuận.

Trước đây, hạ tầng giao thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là kém nhất trong cả nước, do vốn đầu tư cho vùng này rất nhỏ giọt. Nguyên thủ tướng Võ văn Kiệt đã từng nhận xét như vậy khi ông về làm việc với lãnh đạo các địa phương. Tại các diễn đàn kêu gọi đầu tư cho “Mekong Delta”, lãnh đạo các tỉnh cũng cam kết sẽ đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong giao dịch, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa.

Nhưng mãi cho đến khi dự án xây cầu Mỹ Thuận ra đời thì khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vốn hầu như chưa nhận được bất kỳ khoản đầu tư nào đáng kể, cả về hạ tầng giao thông lẫn y tế, giáo dục trong hơn hai thập niên trước đó, mới bắt đầu có những đầu tư quan trọng về hạ tầng.

Do Úc tài trợ

Cầu Mỹ Thuận có tổng chiều dài 1,535 mét với kinh phí tổng cộng hơn 90 triệu đôla Úc, khoảng 72 triệu đôla Mỹ. Chính phủ Australia viện trợ 2/3 kinh phí, 1/3 còn lại là ngân sách của chính phủ Việt Nam.

Chúng tôi phỏng vấn cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam trong thời gian dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận được triển khai, ông Michael Mann, về kế hoạch xây cầu Mỹ Thuận. Vị đại sứ từng chứng kiến cảnh hàng triệu người dân đến xem cây cầu vào hôm lễ khánh thành. Ông cho biết: Dự án viện trợ giúp Việt Nam xây cầu Mỹ Thuận được chính phủ của Thủ tướng Paul Keating loan báo từ giữa những năm 1990. Và nhân dịp chính phủ Australia có dự án xây dựng “Những chiếc cầu Hữu nghị trên sông Mê-Kông” nối liền giữa Lào và Thái Lan, chính phủ Việt Nam đã kêu gọi Australia giúp xây dựng cầu Mỹ Thuận.

Đại sứ Michael Mann cũng nhấn mạnh: Kế hoạch viện trợ để xây dựng cầu Mỹ Thuận nhằm giúp xóa đói, giảm nghèo cho nông dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hàng hóa của nông dân có thể tiếp cận thị trường được dễ dàng, và thuận lợi hơn. Chỉ một năm sau khi chiếc cầu được đưa vào sử dụng, thu nhập của người dân hai bên bờ sông đã tăng lên 30%.

Cây cầu Mỹ Thuận được hoàn thành sớm hơn 6 tháng so với thời gian dự kiến. Ông Mann nói: Ông rất tự hào vì dự án được hoàn thành rất tốt đẹp.

Cầu Mỹ Thuận là một cây cầu cáp kéo với kỹ thuật tân tiến, mới được sử dụng trong vòng 50 năm nay. Theo kỹ sư Nguyễn Minh Quang, một Việt kiều từng tham gia xây dựng cầu Mỹ Thuận thì đặc tính nổi bật nhất của chiếc cầu là hai trụ tháp chính hình chữ H thật cao, mảnh mai, và mỹ thuật hơn so với các cầu cáp kéo đã được xây cất từ trước, điển hình là cầu Sunshine Skyway ở Tampa, Florida, Hoa kỳ.

Cụ thể, thiết thực

Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, đặc biệt là người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, cầu Mỹ Thuận mang nhiều ý nghĩa và rất cần thiết. Ông Nguyễn Hoàng nói:

“Là một người sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long, tôi rất hiểu hoàn cảnh đi lại khó khăn phà cầu nhiều lắm. Qua sự kiện cầu Mỹ Thuận thì thấy cây cầu này giúp cho việc đi lại quá tốt, nhất là lưu thông hàng hóa vào những dịp Tết. Có lúc tôi nhớ là do kẹt phà, những hàng hóa tươi không thể nào đưa lên thành phố đi các nơi được. Qua việc cầu Mỹ Thuận xây dựng thành công tiếp theo đó là hàng loạt các cây cầu khác nữa như cầu Rạch Miễu, nối liền Tiền Giang với Bến Tre, rồi tới đây cầu Cần Thơ cũng sắp hoàn thành nối liền Vĩnh Long với Cần Thơ. Đó là những cái giúp cho người dân một cách rất cụ thể, thiết thực.”

Cầu Mỹ Thuận được khánh thành trong sự náo nức chờ đợi của người dân sông nước miền Tây vì có thể nói cây cầu này nối liền Sài Gòn và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Hoàng cũng là một trong số hàng triệu người đến xem khánh thành cầu Mỹ Thuận. Ông kể lại:

“Không khí hôm khánh thành cầu Mỹ Thuận phải nói là quá sức vui mừng đó là niềm vui của rất nhiều người, nhiều thế hệ, đặc biệt là những cụ già, những người lớn tuổi họ không thể nào nghĩ rằng sẽ có những chiếc cầu bắc qua những con sông lớn như thế đâu. Ngay cả sau khi cầu Mỹ Thuận được xây xong, cầu Rạch Miễu cũng mới khánh thành năm 2009. Nhiều cụ già đến ngắm nghiá, có người còn đi bộ để sờ tay lên thành cầu một cách rất trân trọng. Tôi thấy có lẽ đó là một trong những công trình thiết thực nhất giúp cho vấn đề giao thông, nối con người lại với nhau, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt văn hóa xã hội. Tôi thấy như thế rất là tốt đẹp.”

Anh Nguyễn Tấn Tài, một Việt kiều ở Hoa kỳ, trước đây là người sinh sống ở Miền Tây. Anh cho biết cảm nghĩ khi trở về thăm quê thấy cây cầu đã làm nhiệm vụ thay cho những chuyến phà. Anh nói:

“Trước đây em sống ở Đồng Tháp, thị xã Sa Đéc, cách cầu Mỹ Thuận khoảng hai mươi mấy cây số, ngày xưa hồi còn nhỏ thường đi thăm bên ngoại ở Saigon. Mỗi lần đi như vậy thì phải qua phà, thường tới bắc Mỹ Thuận thì phải đợi bắc từ một cho đến hai tiếng đồng hồ. Lần đầu tiên về thăm nhà thấy cây cầu mình rất vui, vì thấy người dân có cây cầu qua lại không còn phải đợi chờ phà như ngày xưa nữa. Nhờ cây cầu đó mà bây giờ xe cộ lưu thông thuận lợi cho cả sáu tỉnh luôn. Đối với mình ở nước ngoài đã thấy nhiều cầu lớn rồi, ở Mỹ thì quá nhiều cầu, cho nên đối với mình nhìn thấy câu cầy Mỹ Thuận cũng thường thôi chứ không có gì đặc biệt. Nhưng đối với người trong nước người ta thấy cây cầu đó là quá lớn và rất đẹp, và lần đầu tiên trong nước có cây cầu như vậy.”

Không chỉ đẹp, cái chính là cầu Mỹ Thuận là một cây cầu quan trọng của một quốc lộ trọng yếu, Quốc lộ 1, nó đóng một vai trò then chốt trong việc mở mang và phát triển đất nước trên nhiều mặt, mà trực tiếp và trước nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Báo chí trong nước đưa tin một nghiên cứu của Đại học Kinh tế Sài Gòn với sự hỗ trợ của chuyên gia giao thông Australia năm 2004 cho thấy, mức độ sử dụng cầu Mỹ Thuận cao hơn rất nhiều so với dự báo được đưa ra hồi năm 1995. Bài báo cho biết, khoảng trên 20.000 phương tiện giao thông đi qua cầu mỗi ngày, chuyên chở khoảng hơn 90 ngàn người và trên 15.000 tấn hàng hóa. Đồng thời cầu Mỹ Thuận đã giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng trên 20 triệu giờ đi lại của các loại xe và khoảng hơn 105 tỷ đồng nhờ giảm chi phí vận hành và thiệt hại hàng hóa.

Sau Cầu Mỹ Thuận đã có nhiều cây cầu được xây để mang lại niềm vui cho người dân của vùng sông nước như cầu Rạch Miễu thay cho phà Rạch Miểu ở Bến Tre. Sắp tới, vào khoảng tháng 3 này cầu Cần Thơ sẽ thay thế phà Cần Thơ.

Niềm hãnh diện

Người dân hai bên bờ sông Hậu đang náo nức chờ một sự thay đổi lớn. Ông Nguyễn Văn Trinh, một nhà giáo, 51 tuổi sống ở khu vực gần bến phà về phía Cần Thơ cho biết cảm nghĩ về cây cầu sắp sửa hoàn thành như sau:

“Cầu Cần Thơ giáp long với nhau rồi, giáp long có nghĩa là hai mối cầu đã giáp lại với nhau rồi. Hiện giờ thì sơ bộ cây cầu đã hoàn chỉnh bước đầu; cầu nằm ngang từ sông Mỹ Hoà, xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long qua bên kia thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Cầu treo cho nên nhìn thấy nó hùng vĩ và đẹp lắm. Thì người dân ở đây người ta cũng mừng thôi, vì đó là công trình quốc gia mà.”

Ông Trinh cho biết suy nghĩ về sự tiện ích khi có cây cầu so với những chuyến phà trước kia.

“Có khi kẹt phà phải mất 3-4 tiếng đồng hồ mới qua phà được, đoạn đường kẹt có thể là mất 4-5 kilômét cũng không chừng nữa. Không có cảnh nào bực bội cho bằng cảnh chờ đợi đâu. Kẹt xe phải chờ đợi, mà hễ chờ đợi thì nó sanh ra tệ nạn khác nữa; có thể có chuyện cải vả, những xe Honda ôm tranh giành khách, rồi nhiều khi xảy ra những tai nạn không chừng nữa. Thành ra đối với cuộc sống của người dân tôi nghĩ sẽ thích hợp; người dân nếu có trình độ chút đỉnh thì họ đi làm ở các khu công nghiệp cũng được, hay là họ về bên khu công nghiệp buôn bán cũng được.Tôi thấy cây cầu được xây như vậy thì mặt tích cực rất là lớn đối với những người đi lại, lưu thông xe cộ, hay là vấn đề thương mại cho nước nhà, cho thành phố và các tỉnh lân cận đều đi lên một bước rất là cao.”

Còn bà Kiều Thị Hạnh, một cư dân lâu đời ở bến phà phía Huyện Bình Minh, tỉnh Vỉnh Long thì nói rằng:

“Theo Dì nghĩ thì nó tiện lợi nhiều chớ. Theo Dì thấy đối với phà khi có giông gió thì mình không an toàn. Thì như cái cầu Mỹ Thuận bây giờ, hồi đó đi phà thì đâu có cao ráo, đâu có khoảng khoát bằng bây giờ có cây cầu. Nhà nước mà làm được cây cầu thì dân chúng cũng hoan nghênh lắm chứ; cả một vấn đề, cái cầu tới mười mấy cây số mà, đâu có đơn giản được.”

Người dân xem cây cầu Mỹ Thuận là niềm hãnh diện, là một biểu tượng cho cuộc sống mới, văn minh và tiến bộ. Thế nhưng, một số người cũng còn nhớ đến bến phà Mỹ Thuận, nơi một thời là "chứng nhân lịch sử" cho sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cũng là bến đợi của hàng triệu người qua lại.

Một số cư dân địa phương bày tỏ nguyện vọng với các cơ quan chức năng nên duy trì một bến phà nhỏ. Khách qua sông có thể chiêm ngưỡng cầu Mỹ Thuận. Bên cạnh đó là tôn tạo và coi đó như một điểm tham quan vì dẫu sao, nó cũng là một bến phà lớn, đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của vùng sông nước Miền Tây. Đó cũng là một cách để những người đi xa khi có dịp trở về muốn hồi tưởng lại quá khứ, với những chuyến phà kỷ niệm ngày xưa.

Theo RFA

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com