Đầu tư Argentina ''chưa tương xứng''

April 17, 2010

(BBC) - Sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Buenos Aires bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Argentina.

Trong chuyến đi nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, ông Dũng đã có cuộc gặp với các doanh nghiệp hàng đầu của Argentina và hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà, bà Cristina Fernandez de Kirchner.

Bà Cristina Fernandez de Kirchner tiếp ông Nguyễn Tấn Dũng trong dinh tổng thống Casa Rosada.

Ông Dũng nói với các lãnh đạo thương trường của Argentina rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua đã có bước phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực, nhất là về thương mại và đầu tư, nhưng kết quả này vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có cũng như mong muốn của Việt Nam.

Argentina có thế mạnh và nhu cầu hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, dầu khí, công nghệ cao, xây dựng hạ tầng, chăn nuôi đại gia súc, chế biến nông sản; nông nông lâm hải sản, may mặc, giày da, điện, điện tử gia dụng...

Nước có nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Mỹ Latinh (sau Brazil và Mexico) này có những dự án đầu tư vào Việt Nam sản xuất phân bón, thuốc diệt côn trùng, thuốc kích thích rau quả.

Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp luyện kim IMPSA của Argentina và Tổng Công ty điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đang triển khai 3 dự án phong điện và thủy điện tại Việt Nam với hàng tỉ USD vốn đầu tư.

''Tôi cho rằng, các dự án hợp tác giữa IMPSA và PV Power sẽ là chất xúc tác kéo theo các nhà đầu tư khác của Argentina tới Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Argentina quan tâm như: phát triển năng lượng hạt nhân, vì mục đích hòa bình, thủy điện, công nghệ nông nghiệp và công nghệ dược phẩm,'' ông Albrerto Kaminker, Đại sứ Argentina tại Hà Nội, nói với các phóng viên.

Rủi ro

Báo chí chính thức ở Việt Nam loan tin Thủ tướng thông báo tới cộng đồng doanh nghiệp Argentina ''các giải pháp mang tính chiến lược của Chính phủ, tạo tiền đề cho giai đoạn tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới, như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế...''

Những chuyến thăm như thế này cho thấy Việt Nam ra sức thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay tỷ lệ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp vào GDP của Việt Nam lên tới 17-18% và tỷ lệ đóng góp vào tổng đầu tư vào khoảng 36-38% tùy theo năm và mức độ giải ngân.

Tuy nhiên một số vụ mà có nhà quan sát nói có vẻ đã ''hình sự hóa các vụ án kinh tế'' như trong chuyện Jetstar Pacific (liên quan đến Australia) - hoặc vụ án PCI (liên quan đến Nhật) mà Hội đồng xét xử đã nhận định là "làm ảnh hưởng đến uy tín nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân," khiến các nhà đầu tư bàn tán lo ngại.

Không thấy ông Dũng đề cập đến hay cam kết gì với cộng đồng doanh nghiệp Argentina về vấn nạn tham nhũng mà chính Việt Nam cũng thừa nhận ''đang gặp khó khăn''.

Tổ chức Tư vấn Rủi ro Chính trị-Kinh tế (PERC), trụ sở tại Hong Kong, xếp Việt Nam vào vị trí thứ ba trong danh sách các nước tham nhũng nhất châu Á-Thái Bình Dương trong một phúc trình công bố tháng trước.


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com