Việt nam đối phó ảnh hưởng biến đổi khí hậu ra sao?

April 16, 2010

 

 

(RFA) - Vấn đề biến đổi khí hậu đang là mối lo ngại lớn cho các nước trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam vì vị trí địa lý của quốc gia này.

Ruộng lúa ở Quảng Ninh bị nhiễm mặn làm lúa không phát triển - Photo courtesy of quangninh.com.vn

Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều kế hoạch nghiên cứu nước cũng như tiến hành những chương trình giáo dục nâng kiến thức người dân để phòng chống bệnh dịch do việc biến đổi khí hậu gây nên. Khoa Diễm có bài viết tìm hiểu thêm chi tiết. 

Khan hiếm nước sạch

Viện Nước quốc tế Stockholm (SIWI) ngày 19/3 cho biết mỗi năm trên thế giới có hơn 3,6 triệu người, trong đó có 1,5 triệu trẻ em, tử vong vì các bệnh tả, tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn... mà nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng nước bẩn. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh con số này vượt quá số người chết vì chiến tranh hoặc các thảm họa tự nhiên hàng năm và ông cũng cảnh báo rằng, nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm và sẽ càng khan hiếm hơn do biến đổi khí hậu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng vừa công bố, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy biến đổi khí hậu như nhiệt độ trái đất và mực nước biển tăng cùng các sự kiện thời tiết tiêu cực làm tăng sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước tình hình khí hậu thay đổi và mực nước biển dâng. Nếu nước biển dâng lên một mét nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền. Trong khi Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, khi đó 22 triệu người Việt tương đương một phần năm dân số sẽ mất nhà ở, 12% số diện tích đất canh tác bị mất, sinh kế của hàng chục triệu người dân bị đe dọa.

Nước giếng sinh hoạt ở một số nơi tại tỉnh Quảng Nam cũng nhiễm mặn. Photo courtesy of giaoduc.edu.vn

Trong 2 ngày 4 và 5/11, 2009 cuộc Hội thảo Á - Âu mang tên “Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và các bệnh mới nổi” đã được Việt Nam và Hungari đồng tổ chức tại Hà Nội.

Bộ trưởng Y tế Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Triệu cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng thể để giảm nhẹ các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe người dân trong giai đoạn 2010-2015. Các hoạt động sẽ tập trung vào các khu vực dễ bị ảnh hưởng, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để giám sát, trong đó chú ý đến các bệnh dịch, các bệnh tái xuất hiện và mới nổi, xây dựng và nhân rộng mô hình cộng đồng ứng phó với biến đổi khi hậu cùng lúc, nâng cao nhận thức cho người dân về ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ phát sinh, phát triển các bệnh mới, triển khai các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm lây lan.

Ông Triệu cũng cho biết, Việt Nam quyết tâm giải quyết các nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra và mong muốn được hợp tác với các nước trên thế giới và khu vực phòng chống các bệnh dịch liên quan đến biến đổi khí hậu.

Theo lời của Tiến Sĩ Lâm Minh Triết, Viện Trưởng Viện Nước và Công Nghệ Môi Trường TPHCM, thì Việt Nam đang triển khai nhiều kế hoạch nghiên cứu để thích ứng với việc thay đổi khí hậu:

“Biến đổi khí hậu tác động đến rất nhiều thứ, mực nước biển dâng và hàng loạt các vấn đề, xâm nhập mặn, vấn đề nước dâng, ngập lụt, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến vấn đề môi trường, vệ sinh môi trường. Việt Nam hiện tại đang rất là khẩn trương để có những chương trình cùng với thế giới nguyên cứu những ảnh hưởng của khí hậu đối với tình hình của Việt Nam như thế nào.

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu trong nhiều năm tới nên bây giờ nhà nước Việt Nam cũng rất là khẩn trương để nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của khí hậu để đề xuất những giải pháp để thích ừng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tác hại xấu nhất có thể trong điều kiện thực tế của Việt Nam. Những hội nghị quốc tế tại Việt Nam, những chương trình hành động về biến đổi khí hậu. Hiện tại các địa phương có những chương trình rất là quan tâm đến ảnh hưởng đối với địa phương mình như thế nào và làm gì để chung sống hay thích nghi với biến đổi khí hậu đó.

Thí dụ như ở Ninh Thuận, họ đã đi sớm một bước là nghiên cứu các động cơ biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội và cái sinh hoạt của người dân. Thậm chí bây giờ ở trường đại học những đề tài nghiên cứu sinh cũng rất là cập nhật với tình hình quốc tế, thí dụ như tình hình diễn biến chất lượng nước.”

Nâng cao ý thức người dân

Ngoài việc nghiên cứu về chất lượng nước thì Việt Nam cũng đang tiến hành những chương trình giáo dục người dân, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, về vệ sinh cá nhân cũng như vệ sinh chung để mọi người có một nền tảng tốt hơn về kiến thức căn bản trong việc phòng chống dịch bệnh và ý thức hơn trong việc giữ gìn sức khỏe qua những việc nhỏ họ có thể làm mỗi ngày.

Bác sĩ Đỗ Thị Hạ Kỳ, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho biết:

“Biến đổi khí hậu làm cho thiên tai nhiều hơn cho nên những dịch bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng tăng lên. Ví dụ như sau khi xảy ra đông đất ở Tứ Xuyên hoặc là những vụ thiên tai gần đây thì sau khi chuyện đó xảy ra thì người ta thấy các mầm bệnh nó lây lan nhiều. Còn ví dụ như ở Việt Nam hiện tại thì đang ở cái mùa phát hiện đang có dịch tả, TPHCM có hai ba ca dịch tả rồi nhưng nó chưa phải là dịch bệnh rõ, nó chỉ mới bắt đầu xuất hiện thôi.

Nước mặn vào sâu trong các sông nhánh ở tỉnh Bến Tre. Photo courtesy of vfej.vn

Dịch bệnh đang tăng lên vì tỷ lệ ô nhiễm thay đổi rồi biến ra các thực phẩm biến đổi gien, sức đề kháng con người yếu xuống cho nên các bệnh như bệnh lao, bệnh nhiễm trùng, bệnh về vấn đề hô hấp tăng lên. Phòng ngừa là quan trọng nhất, phòng ngừa bằng cách giáo dục người dân thay đổi lối sống, ở nước ngoài thì môi trường sạch sẽ lắm nhưng chứ ở Việt Nam thì môi trường không được sạch cho nên phải hướng dẫn người ta cách giữ vệ sinh chung và thứ hai nữa là giữ vệ sinh cá nhân.

Có nghĩa là giống tự mình bảo vệ, cái đó gọi là phòng ngừa chủ động, còn đối với một số bệnh có khả năng chủng ngừa thì nên đi chủng ngừa sớm. Ví dụ như vệ sinh cá nhân thì nó đưa vào trong trường học. Nó không có những chiến dịch rầm rộ nhưng nó có những đợt về văn minh đường phố, có nghĩa là về khạt nhổ, về xã rát, xử lý rát, xây dựng nếp sống văn minh. Còn về việc diệt mầm bệnh, những cái bệnh nhiễm trùng như bệnh sốt rét thì hiện tại hiếm lắm nhưng sốt xuất huyết thì người ta đi diệt muỗi, diệt lăng quăng, người ta có đội phòng chống dịch.” 

Việt Nam đang cố gắng để bắt tay với thế giới, một mặt nghiên cứu những tác động của việc biến đổi khí hậu, mặt khác nâng cao kiến thức người dân để phòng chống những dịch bệnh do những biến đổi này gây ra. Vấn đề còn lại là chính sách truyền thông và giáo dục quần chúng của nhà nước nhằm nâng cao kiến thức của người dân để họ cộng tác và gắn bó với chương trình, khi ấy may ra mọi nỗ lực của nhà nước mới có cơ may đạt được kết quả.


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com