Thiếu dự án giữ ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long

March 16, 2010

 
 

 

Từ tháng 2.2010, đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ đã thông báo mực nước sông Mekong, phần chảy qua Thái Lan, Lào xuống rất nhanh. Cũng có nghĩa lượng nước về hạ lưu giảm trong thời gian này và mặn xâm nhập sớm hơn.

Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn 620.000 hecta lúa đông xuân, chiếm tới 40% diện tích lúa chưa thu hoạch đang bị mặn đe dọa. Trong khi đó lúa xuân hè vừa mới gieo sạ trong vùng là 87.000 hecta và đến cuối tháng 3.2010, 120.000 hecta sẽ thiếu nước ngọt. Đến cuối tháng 4.2010, kế hoạch xuống giống 600.000 hecta đất trồng lúa hè thu có thực hiện được không đang là một điều còn nằm trong vòng dự đoán.

Nhiều tỉnh vùng ngọt khu vực đầu nguồn sông Cửu Long đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hỗ trợ kinh phí bơm tưới, phát huy tối đa công suất các trạm bơm điện hiện có; nhanh chóng làm đường ống cấp nước ngọt sinh hoạt và hỗ bể trữ nước cho bà con vùng khó khăn đang khát nước. Tuy nhiên, tại một số địa phương biện pháp này không khả thi do nước dưới kênh đã cạn.

Ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết tỉnh này cần đầu tư nạo vét 76 công trình kênh cấp 2 tạo nguồn. Trong khi đó, ông Mai Văn Nhịn, phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: "Đóng tất cả các hệ thống cống đổ ra biển Tây thì mực nước ngọt có lợi trong vùng tứ giác Long Xuyên cao lên 5 - 10cm. Về lâu dài để phân ranh mặn ngọt vùng Bán đảo Cà Mau"

Tuy nhiên, từ ven biển vào nội địa 70km mặn đang biến đổi chất lượng nước, dân cần được giúp đỡ trong việc trữ nước. Về lâu dài ĐBSCL cần có dự án giữ nước ngọt trong mùa mưa và cấp nước ngọt trong mùa khô”.

Hiện tại, nước trong các sông, rạch nội đồng tại ĐBSCL xuống thấp, các cửa sông lớn vào sâu 40 - 60 cây số, xâm nhập mặn 2%0 đến 7%0 xuất hiện ở 8 tỉnh ven biển (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang). Đóng tất cả các cống đập ngăn mặn là giải pháp duy nhất, nhưng nhiều thống ngăn mặn chưa đồng bộ, khép kín khiến lấy nước mặn đe dọa vùng nuôi thủy sản hoặc biến những cánh đồng thành vùng lúa háp. Tại vùng ven biển thuộc tỉnh Bến Tre và các huyện đảo thuộc tỉnh kiên Giang, giá nước ngọt đang được bán từ 60.000- 120.000đồng/m3.

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com