Các vụ kiện Việt Nam bán phá giá có xu hướng gia tăng

March 13, 2010


 

 

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nguy cơ kiện chống bán phá giá gia tăng từ thị trường Âu-Mỹ, trong đó ngay trong năm 2010 này là với các mặt hàng như dệt may, đồ gỗ, thép và đinh. Ngoài ra, các sản phẩm như tôm, cá, túi nhựa, da giày, và một số mặt hàng mới như hóa chất, sản phẩm cơ khí, điện, nhựa sản xuất tại Việt Nam có thể cũng sắp bị điều tra.


Đó là nhận định của các chuyên gia Việt Nam và Mỹ từ cuộc hội thảo tìm giải pháp đối phó với nguy cơ đang ngày càng có nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhắm vào hàng xuất khẩu của Việt Nam.


Cuộc hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng công ty luật Mỹ Squire Sanders đồng tổ chức mới đây.


Từ giày dép, cá ba sa, nguy cơ bị kiện chống phá giá đang lan sang các sản phẩm khác như túi nhựa, đồ gỗ, ốc và đinh, vít. Tại hội thảo, Luật sư Peter John Koenig của công ty luật Mỹ Squire Sanders nói trên, nhận định: "Những mặt hàng này đều thuộc diện mặt hàng khai phá thị trường của Việt Nam nên chưa có kim ngạch lớn. Một khi bị áp thuế chống bán phá giá trong thời kỳ 5 năm, có rà soát từng năm và cuối kỳ để xem gia hạn, thiệt hại đối với doanh nghiệp sẽ vô cùng dai dẳng. Hiện tôm đông lạnh của Việt Nam xuất sang Mỹ đang bị rà soát năm thứ 4, mặt hàng cá đang rà soát cuối kỳ, và có khả năng bị áp thuế thêm 5 năm nữa”. Lý do đồ gỗ Việt Nam đang đối diện với nguy cơ kiện chống bán phá giá cao, theo ông Koenig, là do xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ đang tăng mạnh. Ông nói: "Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã tăng 10 lần trong 10 năm qua. Mặt khác, do Việt Nam ở gần Trung Quốc, nước được coi là tâm điểm của các vụ kiện chống phá giá trên thế giới, nên mỗi khi Trung Quốc có sản phẩm nằm trong diện điều tra chống phá giá, các quốc gia khác có hàng xuất khẩu tương tự luôn nằm trong diện có nguy cơ cao”.


Các báo cáo tại hội thảo cho biết, trong năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối diện với “con số kỷ lục” các vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có 7 vụ ở 6 thị trường khác nhau. Còn theo VCCI, 2009 là năm bận rộn và nhức đầu cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Cơ quan này cho biết, khi kinh tế thế giới rơi vào suy giảm, số vụ kiện nhắm đến hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng. Và không chỉ từ Âu-Mỹ, nơi các nhà sản xuất hay dò xét sản phẩm giá rẻ từ Việt Nam, mà bây giờ, kiện Việt Nam chống phá giá còn xuất phát từ cả Ấn Độ và Braxin, trong đó Ấn Độ kiện các doanh nghiệp thép của Việt Nam, trong khi Braxin kiện các doanh nghiệp giày dép, dù hai nước này đều xuất siêu sang Việt Nam.


Trong 10 năm qua, số vụ kiện chống bán phá giá nhắm vào hàng Việt Nam đã lên đến con số 42, và các chuyên gia dự đoán, thời gian tới sẽ còn thêm nhiều vụ kiện tụng do kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.


Luật sư Peter Koenig cho rằng công ty Việt Nam “chưa có nhiều kỹ năng” đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, dù vụ kiện đầu tiên như ai cũng biết là Mỹ cáo buộc Việt Nam bán phá giá cá da trơn diễn ra đã 10 năm nay. Chuyên gia Mỹ cũng nói đến khả năng các công ty Việt Nam cần phải biết cách chung sống lâu dài với các vụ kiện thương mại, khi xu hướng bảo hộ mậu dịch đang gia tăng, mà Việt Nam đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu.


Mạng VietnamNet bình luận, “Nếu cần thiết, Việt Nam nên tìm cách kiện lại, chứ đừng kêu ca, than phiền, kêu gọi quốc tế thương cảm cho nhân công Việt Nam như trước đây”.

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com