Việt Nam trù tính phát triển đường sắt tốc độ cao

February 10, 2010

(BBC) - Theo tin của Bloomberg, Việt Nam có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên của Đông Nam Á, có thể sẽ chọn tập đoàn Sumitomo cùng Mitsubishi hoặc liên doanh Itochu cùng Kawasaki thực hiện gói thầu trị giá lên đến 56 tỷ USD.

Trong một cuộc phỏng vấn, tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng giải thích xu hướng chọn kỹ thuật Nhật Bản vì Việt Nam "có điều kiện địa lý giống Nhật Bản, cùng thiếu đất và đông dân, bờ biển dài".

Đường sắt Việt Nam có xu hướng chọn công nghệ Nhật Bản 

Việt Nam dự định sẽ ra quyết định trong vòng một năm để lên kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt mới dài trên 1.500km nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh tuyến đường sắt vốn xây dựng từ thời Pháp thuộc, nay đã không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển với tốc độ trung bình 7,3% năm trong vòng một thập niên qua.

Ông Bằng nói nhiều khả năng Đường sắt Việt Nam sẽ chọn liên doanh Sumitomi và Mitsubishi với trụ sở ở Tokyo, hoặc là liên doanh Itochu và Kawasaki với trụ sở ở Osaka và Kobe, vì họ đang vận hành các hệ thống đường sắt giống như sẽ được xây dựng ở Việt Nam.

Xe lửa tốc độ cao phổ biến tại Nhật Bản

Cũng theo tin thì Viện nghiên cứu Nomura sẽ giúp khảo sát cơ bản, và Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản sẽ tài trợ nghiên cứu khả thi, dự kiến bắt đầu từ tháng Sáu tới đây.

"Nếu muốn phát triển đất nước thì trước hết phải phát triển cơ sở hạ tầng," ông Bằng nói với phóng viên Bloomberg. "Đường sắt sẽ giữ một vai trò rất quan trọng trong việc nối kết hai miền nam và bắc Việt Nam."

Từ đầu năm 2002, thủ tướng chính phủ Việt Nam đã lên quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng Đường sắt Việt Nam đến năm 2020, với trên 74.500 tỷ đồng cho mười năm tới, trong đó có trên 20.000 tỷ cho đường sắt Bắc Nam, vừa nâng cấp vừa xây mới, theo văn bản được trích đăng trên trang mạng của Đường sắt Việt Nam.

Theo kế hoạch được ông Bằng giới thiệu, tuyến đường mới sẽ được khởi công trong năm 2012 và bắt đầu khai thác từ năm 2020, và nguồn ngân sách sẽ lấy từ các nguồn viện trợ phát triển nước ngoài, ngân sách chính phủ và các liên doanh nhà nước lẫn tư nhân.

Cũng theo ông Bằng, thì khi đó giá vé xe lửa cao tốc sẽ bằng khoảng ba phần tư giá vé máy bay như hiện nay.

Lượng hành khách đi xe lửa giảm 2,6% xuống còn 11 triệu trong năm ngoái, còn hành khách đi máy bay tăng 4,2% lên thành 10,97 triệu, theo số liệu của Tổng cục thống kê.


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com