Núi Ngự Bình

January 10, 2010


 

 

Không hùng vĩ, cheo leo gập ghềnh nhưng khi hòa quyện cùng sông Hương, núi Ngự toát lên dáng vẻ của trầm tư mặc tưởng, thanh thoát lâng lâng và cũng rất hữu tình như tâm hồn người dân xứ Huế.


Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, núi Ngự Bình có tên gọi là Bằng Sơn (hay Bình Sơn), cao 105 m, dáng cân đối uy nghi, hai bên có hai núi đất là Tả Phù Sơn và Hữu Bật Sơn. Vương triều Nguyễn được thành lập, quyết định xây dựng kinh thành Huế, thấy Bằng Sơn như một bức bình phong án ngữ trước mặt, vua Gia Long chấp nhận đồ án của các thầy địa lý: chọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố và đổi tên cho ngọn núi này là Ngự Bình.

Hoàng hôn trên sông Hương, núi Ngự

Từ khi dời phủ về làng Phú Xuân và xây dựng chính dinh ở đây, chúa Nguyễn Phúc Thái tục gọi là chúa Ngãi, lấy Bằng Sơn làm tiền án ở mặt chính Nam nên đổi tên là Ngự Bình Sơn. Từ đó về sau Ngự Bình Sơn là một trong những ngọn núi rất quan trọng trong việc xây dựng kinh thành Huế của các vua nhà Nguyễn.

Ngay từ thời Nguyễn Huệ còn làm Bắc Bình Vương, khi nghe quân Thanh kéo 20 vạn quân sang xâm lấn nước ta, Nguyễn Huệ đã lập đàn tế cáo trời đất trên ngọn Hữu Bật Sơn, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc.

Xưa kia, từ chân lên đến đỉnh núi, các vua chúa cho trồng thông, quanh năm xanh tốt. “Thông reo núi Ngự” chính là vì thế. Nhìn ngọn Ngự Bình cùng hai ngọn Tả Phù - Hữu Bật trông giống như con phượng hoàng đang xoè cánh che chở cho đế thành. Đến cuối thế kỷ 19, Ngự Bình vẫn còn là nơi các cặp tài tử giai nhân thường xuyên lui tời vào những tiết tốt như thanh minh, nguyên tiêu, trùng cửu… để thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ thú.

Cùng với sự biến thiên của lịch sử, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, tuy nhiên, vào những ngày đẹp trời, đứng trên đỉnh Ngự, bạn vẫn có thể nghe tiếng thông reo, vẫn có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh kinh thành Huế ẩn hiện nguy nga, những lâu đài thành quách, mái chùa cổ kính giữa một màu xanh của cây cối và sông Hương như giải lụa uốn lượn quanh co.

Phóng tầm mắt ra xa là các khu đồi, là rừng thông bát ngát, tiếp đến một vùng đồng bằng rộng lớn của các huyện ngoại thành kinh thành Huế: Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà… với những lũy tre xanh rì, những dòng sông phăng lặng. Xa hơn là dãy Trường Sơn trùng điệp một màu tím thẫm ẩn hiện sau những tầng mây bạc.

Nhìn về phía Đông, bạn có thể bắt gặp dải cát trắng mờ phía xa cửa biển Thuận An an nhiên và bí ẩn, hòa với màu xanh thăm thẳm của biển Đông.

Cách núi Ngự Bình không xa là đồi Vọng Cảnh, một danh thắng nổi tiếng khác của cố đô Huế, lặng lẽ đứng soi bóng duyên dáng bên dòng sông Hương, nhìn qua núi Ngọc Trản. Từ đồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy những khu vườn cây ăn quả mướt xanh của cau, nhãn, cam, quýt, thanh trà... xen lẫn bóng thông, những mái nhà ngói xám của đền chùa, lăng tẩm cổ kính, trầm mặc của kinh thành Huế.

Người Huế cho rằng, cái đẹp của núi Ngự không phải là về mặt phong thủy che chở cho kinh thành Huế, cái đẹp của núi Ngự chính là chỗ nó gần gũi với dân Huế, nó trở thành một cái đài, một ngôi lầu cao vút và lên đó theo những bậc cấp nhân tạo người ta có thể phóng tầm mắt mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu hiền của thành Huế, lắng nghe những tiếng vọng từ bên dưới rất xa, và có cảm tưởng như mình đang ở vào một thế giới nào đó, thoát tục.

Lên Núi Ngự vào buổi bình minh sương tan hay lúc hoàng hôn, mới hiểu hết và thấm thía vẻ đẹp nên thơ, nên hoạ của một ngọn đồi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com