Làng cổ Nghi Tàm - Nơi lưu giữ néttruyền thống Thăng Long

January 08, 2010


 

 

Nghi Tàm là một trong ba làng cổ của phường Quảng An, quận Tây Hồ. Đây là địa danh có nhiều di tích lịch sử cũng như các nghề truyền thống và còn lưu giữ gần như nguyên vẹn tới ngày nay.


Làng Nghi Tàm được hình thành từ năm 1138, đời vua Lý Thần Tông với tên khai sinh là Trại Tầm Tang và tên này cũng chính do nhà vua đặt. Trại Tầm Tang gắn với tích công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông dời cung về nơi này dạy dân trồng dâu, nuôi tằm tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long về nghề tơ tằm. Đến thời Trần, trại đổi tên là phường Tích Ma và khi đó cư dân lại phát triển nghề se gai, dệt lưới, đánh cá. Thời Lê, phường Tích Ma đổi tên thành Nghi Tầm nhưng do trùng với tích bà Từ Hoa công chúa rời cung về dạy nghề cho dân làng nên đổi lại thành Nghi Tàm. Nghi Tàm thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận và sau này qua nhiều biến chuyển thời gian, làng Nghi Tàm nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ.


Trước kia, làng Nghi Tàm chia thành ba xóm: xóm Chùa, xóm Trên, xóm Cái và làng nổi tiếng vùng Tây Hồ về thắng cảnh đẹp. Trong “bát cảnh Hồ Tây” thì Nghi Tàm có tới ba cảnh đẹp gồm Bến Trúc Nghi Tàm (là một cây cầu, nơi trước kia các nhà thơ thường ra đó vịnh thơ, vẫn còn lưu lại đến ngày nay), đồng bông Nghi Tàm (cánh đồng hoa nay bị mất đi do đô thị hóa) và Tiếng đàn Thành Cung (nơi nhà vua phát ra tiếng đàn vẫy gọi chim muông, dấu tích vẫn còn ngay trong sân chùa Kim Liên).

Làng Nghi Tàm là quê hương của bà Huyện Thanh Quan. Bà là tác giả của những vần thơ hoài cổ nổi tiếng như : Qua đèo Ngang, Thăng Long hoài cổ, Trấn Bắc hành cung ... Ngày nay, ở Nghi Tàm còn một bia đá mà người ta cho là bia ghi danh Bà Huyện Thanh Quan, hiện đang được lưu giữ tại một gia đình thuộc dòng họ.

Nơi đây còn có xóm Cung là di tích hành cung từ thời vua Lê trên dải đất nhô ra giữa hồ. Tương truyền đây còn là nơi Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) thường đến vãng cảnh, uống rượu, ngâm thơ và tặng người con gái có tài làm thơ, đối đáp thông minh là bà Chúa Liễu Hạnh, người được coi là hay giúp dân ban phúc, trừ hoạ và đã được lập đền thờ tại đây. Đó chính là Phủ Tây Hồ.

Làng cổ Nghi Tàm còn có chùa Kim Liên (Bông sen vàng) nằm trên một đảo nhỏ nổi trên mặt nước Hồ Tây. Chùa có tên cũ là Đống Long và Từ Hoa. Tương truyền công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông (năm 1128-1138) ra đây ở. Cổng chùa Kim Liên có một tấm bia chạm đôi rồng mang đậm phong cách thời Lý và chùa cũng là một thắng cảnh đẹp của vùng hồ Tây.

Qua cửa chùa về phía đông là đình làng Nghi Tàm thờ Quỳnh Hoa công chúa, đã cùng chồng là Liễu Nghị, đều là người làng Nghi Tàm đã có công đánh giặc ngoại xâm phương Nam xâm phạm vào Thăng Long đời Lê. Ông Nghị về sau làm phủ doãn Phụng Thiên (Thăng Long), bà Quỳnh Hoa dạy cung nữ chăm tằm dệt vải, khi về già bà tu ở chùa Nghi Tàm.

Cũng như nhiều làng khác nằm ven hồ Tây, làng Nghi Tàm có những nghề truyền thống với bề dày gần trăm năm nay, đó là nghề trồng cây cảnh và nuôi cá cảnh, phát triển sôi động một thời. Nghề trồng cây cảnh được du nhập vào Nghi Tàm từ năm 1928, khi một người làng đi bán cây cho người Trung Quốc rồi đưa giống về trồng. Những người sành chơi cây ở Hà Nội đều biết tới cây cảnh Nghi Tàm với những gốc cổ thụ hoặc các loài quý hiếm. Hiện tại, do quá trình đô thị hóa, đất trồng cây không còn nhiều nên nghề trồng cây cảnh cũng thu hẹp, chỉ còn một số gia đình giữ lại các gốc cây do cha ông để lại. Trong làng chỉ còn lác đác vài nhà duy trì trồng các loài cây cảnh quý hiếm như đại lan, thanh trừng, trần mộng… phục vụ cho những khách sành chơi là người Hà Nội gốc.

Nghi Tàm cũng nổi tiếng là làng nuôi cá cảnh với những tay nuôi cá tài nghệ, biết lai tạo giống mới, vỗ cá đẹp, mau lớn khiến ai cũng nể trọng. Cá cảnh Nghi Tàm cung cấp cho hầu hết các chợ lớn trên địa bàn Hà Nội với chủng loại phong phú, giá cả lại rẻ, phổ biến là các giống cá nội như cá vàng, cá thần tiên, cá kiếm, cá chọi… Đây là các giống cá phù hợp với thị hiếu của đa phần người chơi.

Làng còn có nghề trồng quất. Lúc đầu người trồng chỉ biết cắt quả bán, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán để bày mâm ngũ quả hoặc làm mứt. Dần dần qua thực tiễn, người làng Nghi Tàm có kinh nghiệm là khi đánh cây quất từ chỗ này ra chỗ khác trồng không những cây ra nhiều quả mà quả lại rất đẹp nên mới nảy ra sáng kiến đánh cây quất vào chậu để chơi Tết. Để có chậu quất đẹp không đơn giản, đòi hỏi kỹ thuật khá tinh xảo của người trồng. Từ việc chiết cành tới việc “làm quả”, “giữ quả”; đặc biệt là khâu “đảo quất”. Đó là vào khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch, chọn những ngày nắng ấm mới lại đào cây quất lên đem ra chỗ khác trồng gọi là “đảo quất”. Thời gian đảo phải tính toán thế nào để cho cây ra quả sai và chín rộ đúng vào dịp Tết. Để quả phân bố đều, đẹp thì còn phải có kỹ thuật cấy quả… Khó là vậy nhưng người Hà Nội vẫn thích kén những cây không những có nhiều quả đẹp, lá xanh mà còn phải có “lộc”, có hoa.

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com