Tỉ phú xoài non

April 08, 2010


 

 

Cơ sở sản xuất dưa xoài Trường Giang ở ấp Tấn Phước, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới (An Giang) của vợ chồng ông Phạm Văn Thơ bây giờ nức tiếng khắp vùng Nam kỳ lục tỉnh. Câu chuyện hai vợ chồng người mót xoài làm dưa sống qua ngày trở thành tỉ phú bằng chính món đặc sản dưa xoài được mọi người ở vùng cù lao Chợ Mới kể cứ như là chuyện cổ tích.

Ông Phạm Văn Thơ và sản phẩm dưa xoài non xuất khẩu.

Ông Thơ kể, năm 1985 ông lập gia đình cùng bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, hai bên đều nghèo nên tài sản ra riêng chỉ là hai bàn tay trắng, vài bộ quần áo cũ. Quanh năm hai vợ chồng quần quật bằng nghề làm thuê, làm mướn, giữ trâu bò, cắt cỏ thuê, căn chòi che mưa nắng phải cất nhờ trên vuông đất nhỏ sau hè nhà hàng xóm. Những lúc không ai thuê mướn, ông Thơ và vợ đi xin các chủ vườn cho lượm xoài rụng đem ra chợ bán để kiếm tiền mua gạo ăn. Nhưng xoài rụng bán chẳng được bao nhiêu tiền, ông và vợ nghĩ ra cách làm dưa xoài ngâm với muối đem bán ở các trường học. Nghề dạy nghề, từ trái xoài ngâm muối, ông bà Thơ thử ngâm xoài non với nước muối, đường và gia vị như tỏi, ớt, bột ngọt… bán thử, chẳng ngờ đắt như tôm tươi.

Từ kẻ lang thang thành ông chủ

Năm 2004, một người cháu của ông Thơ ở Sài Gòn về thăm quê, sau khi ăn thử món dưa xoài đã gợi ý nên đưa lên Sài Gòn chào hàng bán thử. Mang 7kg dưa xoài lên thành phố chào bán ở các trường học, quán ăn, nhà hàng… trong tâm trạng hồi hộp, ông hoàn toàn bất ngờ khi ai ăn cũng khen ngon. Hai đơn đặt hàng đầu tiên với số lượng 50kg/tháng đã mở ra một con đường làm ăn lớn cho hai vợ chồng nghèo.

Tới lúc có đơn đặt hàng thì ông bà Thơ lại lâm vào thế bí. Ông Thơ kể: “Vợ chồng chỉ giao hàng đúng một đợt thì hết nguyên liệu, bởi xoài non chỉ có một mùa. Không có hàng cung ứng, khách hàng cự nự quá xá, nhưng vẫn tiếp tục đặt hàng. Năm 2006, vợ chồng tôi quyết định vét tiền để dành lâu nay, vay mượn thêm được 3 chỉ vàng và gần 5 triệu đồng đi khắp vùng trồng nhiều xoài như Chợ Mới, Thất Sơn, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long… để thu mua xoài non về làm dưa, cung ứng theo đơn đặt hàng”.

Từ đó mỗi tháng ông Thơ có thể cung cấp cho thị trường Sài Gòn hơn 300kg dưa xoài, thu nhập hơn 6 triệu đồng, sau đó nâng lên 400kg/tháng, thu nhập trên chục triệu đồng. Đến năm 2008 vợ chồng ông Thơ mua được mảnh đất, cất căn nhà khá khang trang gần 100 triệu đồng và thành lập cơ sở dưa xoài Trường Giang.

Mỗi năm 1.000 tấn

Ông Thơ cho biết, để có nguyên liệu sản xuất dưa xoài đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu khắt khe của người tiêu dùng, lâu nay vợ chồng ông không sử dụng xoài rụng mà phải trực tiếp đến các vườn xoài thu mua xoài non trên cây. Điều đáng mừng là hiện nay nhà vườn ở các tỉnh thường canh tác xoài mùa nghịch, nên nguồn nguyên liệu gần như có quanh năm. Nhờ người cháu, nên hiện nay đặc sản dưa xoài của vợ chồng ông Thơ đã xuất hiện ở nhiều siêu thị tại Sài Gòn, An Giang, Hà Nội… Theo ông, xoài cát chu cho ra miếng dưa xoài vừa giòn, vừa mềm và hương vị chua ngọt đặc trưng, các loại xoài khác như thanh ca, voi, cát Hoà Lộc, xoài Thái… tuy nguyên liệu nhiều, dễ mua nhưng không ngon bằng.

Năm 2007 cơ sở dưa xoài Trường Giang đã được cấp bằng chứng nhận về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm dưa xoài của Trường Giang không chứa hàn the và đường hoá học, được đóng gói bắt mắt với trọng lượng 300g, 500g đến 2kg/gói, bảo quản được 30 ngày ở nhiệt độ từ 5 – 10oC. Hiện nay ngoài món dưa xoài, vợ chồng ông Thơ còn sản xuất thêm món dưa cóc non đặc sắc không kém. Từ hai bàn tay trắng, bây giờ vợ chồng ông đã trở thành một chủ doanh nghiệp, giải quyết được công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 người, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 1.000 tấn dưa xoài, dưa cóc.

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com