Tịch thu ngà voi châu Phi ở Hải Phòng

May 06, 2010

Hải quan Việt Nam tịch thu được hai tấn ngà voi buôn lậu đến Hải Phòng từ Kenya trong tuyến đường quốc tế mua bán mặt hàng bị cấm để bảo vệ động vật hoang dã.

Truyền thông nhà nước hôm thứ Năm được trích lời cho hay chừng 400 bao plastic chứa ngà voi giấu trong rong biển phơi khô đã bị tịch thu.

Được biết đây là hàng được chuyển đi Trung Quốc nhưng bị thu khi giới chức kiểm tra container ở Hải Phòng hôm thứ Ba.

Ngà voi là mặt hàng thường bị chuyển lậu từ châu Phi (hình tư liệu)

Theo AFP trích lời các giới chức và chuyên gia tại một hội thảo của Liên hiệp quốc về động vật hoang dã hồi tháng Ba, tại châu Á có thị trường lậu mua bán ngà voi châu Phi.

Đến từ châu Phi

Ngà voi bị cấm buôn bán từ năm 1989, trừ một số trường hợp, nhưng kể từ 2005, nạn buôn bán lậu lại tăng cao.

Trung Quốc là thị trường ngà voi lớn nhất thế giới

Báo chí Việt Nam cho hay trong tháng Ba năm ngoái, nhà chức trách bắt giữ gần 5 tấn ngà voi chuyển lậu từ Tanzania.

Tháng 7/2009, sáu thương nhân Tanzania bị kết tội buôn lậu 11 tấn ngà voi sang Philippines và Việt Nam trong vòng nửa năm trước đó.

Nhưng buôn lậu ngà voi chỉ là một phần của câu chuyện.

Báo chí quốc tế hồi 2008 nói đến vụ buôn bán sừng tê giác tại Nam Phi khiến cho một nhà ngoại giao Việt Nam bị triệu hồi về nước.

Theo AFP 6/05, Trung Quốc là "thị trường ngà voi lớn nhất thế giới", nơi ngà voi được dùng làm ấn hoặc đồ trang sức và trang trí kiểu cổ.

Các sản phẩm có ngà voi cũng bán rất chạy cho khách hàng tại Việt Nam.

Nhưng châu Á chưa phải là điểm đến cuối cùng của ngà voi lậu.

Trong chương trình Inside Out của đài BBC năm 2007 về thị trường buôn bán ngà voi, người ta phát hiện ra rằng thị trường tiêu thụ sản phẩm ngà voi lậu quốc tế vươn tới London, và từ đó chuyển sang Hoa Kỳ.

Từ châu Phi, ngà voi thô được chuyển sang tận Trung Quốc để chế biến và các sản phẩm đắt tiền được đưa về London.

Thủ đô Anh Quốc cũng là "thị trường lớn thứ ba trên thế giới, cung cấp cho Hoa Kỳ", theo lời các chuyên gia.

Người ta ước tính trong vòng 30 năm qua, số đàn voi rừng tại châu Phi giảm đi một nửa, và chỉ còn chừng 450 nghìn con.

Giáo sư Samuel Wasser, từ Đại học Seattle, cho BBC hay: “Dùng số liệu về các vụ bắt giữ thì có thể ước tính ra con số 38 nghìn voi châu Phi bị giết hàng năm chỉ để cung ứng cho việc buôn lậu".

Theo quy định quốc tế, chỉ có ngà voi lấy từ con vật bị giết trước 1947 là hàng buôn bán hợp pháp.

Trong những trường hợp riêng lẻ khác, nhà buôn phải có được chứng chỉ của chính quyền mới được quyền buôn bán ngà voi.

Tuy vậy, việc cấp giấy phép buôn bán chính thức ngà voi cũng gây ra các phản ứng khác nhau.

Hồi tháng 10/2008, chính quyền Namibia, Botswana, Nam Phi và Zimbabwe cho bán đấu giá hơn 100 tấn ngà voi từ kho cho người mua Trung Quốc và Nhật Bản.

Dù tiền thu về sẽ được chi vào cả các dự án bảo vệ động vật hoang dã, tổ chức của Liên Hiệp Quốc bảo vệ động vật quý hiếm (CITES), cơ quan cho phép mở cuộc đấu giá, nói họ sẽ tiếp tục theo dõi việc kinh doanh ngà voi ở Trung Quốc và Nhật Bản để đảm bảo rằng ngà voi hợp pháp không bị lẫn vào hàng phi pháp.


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com