Việt Nam tăng cường cảnh báo về buôn lậu động vật hoang dã

May 05, 2010

 

 

(VOA) - Các nhóm bảo tồn trong nước và quốc tế, Chính phủ Việt Nam và Mạng luới Thực thi pháp luật về Động thực vật hoang dã ASEAN (ASEAN-WEN) đã khởi xướng một chiến dịch truyền thông ngoài trời nhằm nâng cao nhận thức về buôn lậu các loài hoang dã, một loại tội phạm đang đe dọa đến tính đa dạng sinh học đặc biệt của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác và đẩy rất nhiều loài tới nguy cơ tuyệt chủng.

Một tấm biển quảng cáo lớn bằng tiếng Việt và tiếng Anh đã được dựng trên đường từ Sân bay Quốc tế Nội Bài về Hà Nội, với cảnh báo: "Buôn lậu động thực vật hoang dã sẽ bị xử lý theo pháp luật".

Theo Mạng lưới toàn cầu về theo dõi buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC), trên tấm biển này cũng có các số điện thoại nóng để thông báo về các tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã. Tấm biển in hình một con hổ, một loài có nguy cơ bị tuyệt chủng thường bị buôn bán trái phép trong toàn khu vực, mặc dù quần thể hoang dã của loài này trên toàn thế giới đã giảm xuống còn khoảng 3.200 cá thể.

Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, được trích lời nói: “Buôn bán trái phép và không bền vững các loài hoang dã đang đe dọa nhiều loài động, thực vật hoang dã, không chỉ ở Việt Nam mà trong toàn khu vực. Bất cứ ai bị bắt gặp đang buôn bán các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng sẽ bị xử phạt theo luật pháp trong nước.”

Được xây dựng theo khuôn mẫu của các chiến dịch truyền thông tương tự khác của ASEAN-WEN tại Viêng Chăn, Lào, và Băng Cốc, Thái Lan, chiến dịch truyền thông ở Việt Nam là sáng kiến chung của ASEAN-WEN, Cục Kiểm lâm Việt Nam, Tổ chức TRAFFIC, Tổ chức ENV và Tổ chức FREELAND và được hỗ trợ bởi Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Bên cạnh việc đến được với hàng trăm nghìn người đi lại, các chiến dịch trước đây đã góp phần gia tăng cảnh giác của các cơ quan có nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn buôn lậu động, thực vật hoang dã.

 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com