Việt Nam với thách thức trong cương vị Chủ tịch ASEAN

January 05, 2010


 

 

Kể từ ngày 1/1, Việt Nam đã chính thức thay thế Thái Lan đảm nhận chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nhiệm kỳ một năm của Việt Nam sẽ kéo dài cho tới ngày 31/12/2010, với chủ đề trọng tâm là: ‘Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn cho tới Hành động’.

Tờ Bangkok Post của Thái Lan hôm 2/1 viết rằng Việt Nam sẽ thúc đẩy ASEAN trở thành một cộng đồng theo như kế hoạch vào năm 2015.

Tờ báo này cũng trích lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cam kết rằng Việt Nam sẽ xây dựng Cộng đồng ASEAN và nâng cao vị thế của khối trên trường quốc tế.

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói trong một thông cáo rằng quá trình chuẩn bị đảm nhiệm vị trí lãnh đạo khối của Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh đối với ông.

Ông Surin cũng lên tiếng hoan nghênh Việt Nam trở thành tân lãnh đạo của ASEAN đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Ban thư ký ASEAN và Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của ban Việt ngữ đài VOA hôm 4/1, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam từ Học viện Quốc phòng Australia, nhận định rằng Hà Nội sẽ đối mặt với một loạt các thách thức trên cương vị Chủ tịch ASEAN, mà trước mắt là việc ‘tổ chức, điều hành 500 cuộc họp và hai hội nghị thượng đỉnh’.

Ngoài ra, ông Thayer cũng cho rằng Việt Nam sẽ còn phải giải quyết các vấn đề nội tại khác của khối: 'Theo tôi, vấn đề lớn nhất là Miến Điện, vì nước này tổ chức tổng tuyển cử năm nay. Các nước phương Tây, Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ muốn chứng kiến một cuộc bầu cử tự do và công bằng, trong khi chính quyền Miến Điện không thể hiện điều đó. Đây sẽ là một vấn đề gây trở ngại. Việt Nam, vốn tôn trọng các nguyên tắc không can thiệp vào nước khác, sẽ phải tìm cách để dẫn tới một thỏa hiệp giữa các bên'.

Ông Thayer nói tiếp: 'Vấn đề thứ hai là ASEAN đã đồng ý thiết lập một Ủy ban Nhân quyền liên chính phủ, mà trước mắt sẽ giải quyết vấn đề các nhóm xã hội dân sự. Vậy nên Việt Nam phải tìm ra một bước đi nhằm bảo đảm rằng các quốc gia như Indonesia sẽ không đi theo con đường riêng của mình và làm suy yếu ASEAN nếu như nước này không cảm thấy hài lòng với tiến trình của Ủy ban này. Ngoài ra, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM). Hà Nội mạnh mẽ thúc đẩy mối quan hệ dựa trên đối thoại giữa các thành viên ADMM với các đối tác. Theo tôi còn là vấn đề chiến lược. Tôi nghĩ sẽ khó cho Việt Nam thuyết phục các đối tác lớn rằng bản thân ASEAN có thể đưa ra và triển khai thực hiện các sáng kiến an ninh'.

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin rằng, trong một năm trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tập trung hợp tác với các nước thành viên nhằm tăng cường thực thi một loạt các thỏa thuận, kế hoạch và chương trình.

Theo đánh giá của giáo sư Carl Thayer, Việt Nam cũng có thể tận dụng nhiệm kỳ của mình để tìm sự đồng thuận của ASEAN về vấn đề tranh chấp biển Đông: 'Tôi nghĩ Việt Nam có thể nêu lên các vấn đề quan ngại của mình trong năm 2010, mà điển hình là vấn đề tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông, nhưng ASEAN đang ở trong tình trạng chưa thống nhất và còn im tiếng về vấn đề này. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông, vốn được ca ngợi là bước đi đầu tiên dẫn tới Quy tắc ứng xử biển Đông. Nhưng từ đó tới nay, mọi chuyện khá im ắng'. 

Giáo sư Thayer nói thêm: 'Trung Quốc nhấn mạnh rằng tranh chấp biển Đông chỉ có thể giải quyết song phương, chứ không phải đa phương. Gần đây, phải thừa nhận rằng vấn đề tranh chấp biển Đông đang sôi sục trở lại, và nếu ASEAN không lên tiếng, thì các cường quốc cũng sẽ làm, mà điển hình là sự đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo tôi, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có thể tìm cách đạt được sự đồng thuận nhằm đưa ASEAN trở lại bàn đàm phán về Quy tắc ứng xử biển Đông. Mọi chuyện sẽ khó khăn đối Việt Nam. Nhưng các thách thức luôn song hành với các cơ hội cũng như thành quả nếu như thành công. Điều đó phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Việt Nam tại ASEAN năm 2010'.

Việt Nam gia nhập ASEAN hồi tháng Bảy năm 1995, tức là 28 năm sau khi khối này thành lập.

Theo VOA

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com