Thêm thị trường cho hàng Việt Nam

March 04, 2010

(BBC) - Ủy viên về Thương mại và Mậu dịch của khối EU Karel de Gucht thăm Việt Nam một ngày và có cuộc gặp với thủ tướng chính phủ.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cho báo giới hay Việt Nam sẵn sàng đàm phán hiệp định thương mại tự do, FTA, với EU.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt Ngữ ngày 03/03, ông Antonio Berenguer, tham tán thương mại của phái đoàn EU tại Hà Nội nói đến mục tiêu đàm phán của hai bên, và quan hệ giữa nhân quyền và thương mại.

Đại diện thương mại của EU tại Hà Nội hy vọng đàm phán FTA bắt đầu từ tháng 10 năm nay.  

BBC: Thưa ông hiệp định FTA sẽ giúp công ty Việt Nam ra sao trong chuyện bán hàng sang thị trường EU?

Antonio Berenguer: Việt Nam đang hướng đến xuất khẩu và tìm cách giảm bớt thuế đánh vào hàng VN tại các thị trường lớn trên thế giới, trong đó có EU. Các mặt hàng chính của VN sẽ được hưởng lợi. Ví dụ như giày dép. Hiện nay một số mặt hàng giày dép đang chịu thuế chống phá giá của EU, với thuế suất 18% mỗi năm VN mất đi khoảng 2 tỷ euro. Khi có FTA, thuế chống phá giá sẽ không còn nữa.

Các mặt hàng khác như dệt may, đồ nội thất sẽ có cơ hội tăng thêm xuất khẩu sang EU. Cạnh đó khi đàm phán FTA, VN sẽ hoàn tất các điều kiện để được công nhận là nền kinh tế thị trường. Như thế sẽ bớt bị cáo buộc có hành vi bán phá giá trong tương lai. Không chỉ hàng xuất khẩu có thêm thị trường, FTA còn tạo nền tảng lâu dài đối hàng hóa sản xuất tại VN, chúng sẽ luôn được hưởng một mức thuế ổn định, từ đó đưa VN trở thành nơi thuận lợi cho các nhà đầu tư EU.

BBC: Vậy EU sẽ có lợi gì thưa ông, có phải các ông sẽ chủ yếu nhắm đến lĩnh vực dịch vụ là nơi EU đang có thế mạnh, trong đàm phán với Việt Nam?

Hiện giày da xuất khẩu của Việt Nam vào EU bị thuế chống phá giá 18%.

Antonio Berenguer: Ngoài một số hàng công nghiệp chúng tôi muốn giảm thuế tại thị trường VN, như rượu, xe hơi, mục tiêu chính của chúng tôi là thị trường dịch vụ. EU đang dẫn đầu về một số lĩnh vực dịch vụ trên thế giới. Ví dụ như ngân hàng, bán lẻ, phân phối. Chúng tôi muốn đầu tư nhiều hơn trong thị trường viễn thông liên lạc. Hiện giờ VN có 104 triệu thuê bao điện thoại với dân số là 84 triệu. Chúng tôi muốn để ý điện thoại di động, internet, các lĩnh vực tạo thêm giá trị khác mà chúng tôi thấy quan trọng.

Chúng tôi muốn có hiện diện nhiều hơn trong lĩnh vực ngân hàng. Dù hiện giờ đang có vị trí khá thuận lợi, nhưng chúng tôi muốn làm nhiều hơn. Muốn có thêm hoạt động trong dịch vụ phân phối. Ví dụ hai chuỗi siêu thị chính của tập đoàn nước ngoài ở VN là Metro và Big C. Chúng đều có gốc Âu châu. Hiện nay hai chuỗi này mới chiếm khoảng 4% thị trường bán lẻ. Rất là nhỏ. Bất cứ báo cáo nào của công ty tư vấn thị trường McKinsey đều nói rằng tiềm năng mở thêm siêu thị ở VN là rất lớn.

Chúng tôi muốn hiện diện nhiều hơn trong lĩnh vực dược phẩm. Mạng lưới phân phối thuốc men tại VN mang tính hạn chế đối với công ty nước ngoài. Âu châu có các công ty dược phẩm hàng đầu như Sanofi Aventis, GSK. Chúng tôi muốn tham gia vào lĩnh vực phân phối xăng dầu, bán lẻ xe hơi, rất nhiều thứ công ty Âu châu có thể làm được tại Việt Nam.

Về dịch vụ du lịch, chúng tôi có các chuỗi khách sạn rất nổi tiếng, tiềm năng du lịch tại VN rất lớn. Chúng tôi muốn hoạt động nhiều hơn trong lĩnh vực này.

BBC: Nhật báo Tài chính phố Wall (Wall Street Journal) nói rằng với sự thông qua của Hiệp ước Lisbon, Nghị viện Âu châu hiện giờ có quyền hành rất lớn trong việc thông qua hoặc bác các Hiệp định Thương mại Tự do mà EU đàm phán với nước khác. Tờ báo này nhắc đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam có thể là một trong các trở ngại. Ý của ông về chủ đề này ra sao?

Chúng tôi hy vọng VN hiểu được mối liên hệ giữa tôn trọng nhân quyền và khả năng được hưởng lợi từ sự tiếp cận toàn diện đối với thị trường EU

Antonio Berenguer: Theo chỉ thị của Hội đồng Âu châu, cơ quan điều hành cao nhất của khối, EU có thể bắt đầu đàm phán với một quốc gia nào đó về FTA nhưng không thể hoàn tất, nếu như quốc gia đang đàm phán không có PCA, tức Hiệp định Đối tác và Hợp tác, với EU. Đối tác của EU cần phải có sự tôn trọng quyền cơ bản của người dân, như được nói tới trong PCA. Trường hợp quan hệ giữa EU với Miến Điện cho thấy chúng tôi chưa sẵn sàng giao lưu về kinh tế và thương mại với những quốc gia được cho là có thành tích nhân quyền không chấp nhận được. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Chủ đề nhân quyền sẽ được bàn tới trong các cuộc họp về PCA giữa EU và VN. Hai nước mới có buổi làm việc mới nhất cách đây hơn một tháng.

Thủ tướng VN, trong buổi gặp ông Karen de Gucht, có ý khuyến khích Ủy viên thương mại khối EU hoàn tất đàm phán PCA trong tháng 10 năm nay. Ông Nguyễn Tấn Dũng nói thêm phiên họp bàn về FTA giữa hai nước có thể bắt đầu trước đó.

BBC: Tôi tò mò muốn hỏi ông, tình hình nhân quyền tại Việt Nam liệu có khác chi, trước và sau khi hai nước hoàn tất Hiệp định Đối tác và Hợp tác, PCA?

Antonio Berenguer: Chính sách về nhân quyền của khối EU đối với VN là tìm cách có được sự cải thiện liên tục, dù là nhỏ, về nhân quyền. Tất nhiên vẫn còn những chủ đề hai phía còn nhiều khác biệt, ví dụ như chúng tôi tin vào hệ thống dân chủ đa đảng, vân vân. Chúng tôi hy vọng VN hiểu được mối liên hệ giữa tôn trọng nhân quyền và khả năng VN tiếp tục được hưởng lợi từ nguồn tiếp cận toàn diện đối với thị trường EU. Xuất khẩu và ngoại thương của VN hiện rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của nước này, chúng chiếm tới 70% GDP (trong khi Thái Lan là 50%).


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com