Nhìn lại quan hệ Anh-Việt năm 2009

January 03, 2010

 

 

Mark Kent, Đại sứ Anh viết từ Hà Nội

(BBC) - Tôi rất ấn tượng trước bước tiến dài mà quan hệ Anh-Việt đạt được trong năm qua. Nay hai bên đã có một cơ chế trao đổi thường xuyên với các đối tác và đồng nghiệp thực sự thật đa dạng.

Cảnh sát Anh và Bộ Công an Việt Nam có quan hệ hợp tác chặt chẽ và đang thu gặt các kết quả ngày càng lớn trong cuộc chiến chống tội phạm.

Chúng tôi đã thường xuyên tham vấn về quan điểm đàm phán của mình tại Hội nghị thay đổi khí hậu Copenhagen với các bộ Tài nguyên-Môi trường và Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn của Việt Nam.

Một số quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam được tôi đánh giá là thuộc loại hiểu biết nhất trong số những người tôi đã từng cùng làm việc. Chúng tôi đã chia sẻ các quan điểm về hoạch định kế hoạch chiến lược và các vấn đề liên quan tới việc Việt Nam làm chủ tịch Asean.

Đó là còn chưa nhắc tới các quan hệ công tác với Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, các trường đại học...

Chúng ta bước vào năm 2010 với một sự hợp tác thân chặt hơn bao giờ hết.

Năm tới đây, cả Việt Nam và Anh đều chuẩn bị cho một chu kỳ chính trị mới. Anh sẽ có tổng tuyển cử vào tháng Sáu và Việt Nam thì sắp có Đại hội Đảng vào đầu năm 2011.

Cả hai quốc gia sẽ xem xét làm sao để đương đầu một cách tốt nhất với các thách thức mới và bước phát triển mới của thế giới vì các xã hội và hệ thống đều phải thích ứng với môi trường thay đổi nếu không muốn bị diệt vong như loài khủng long thời cổ đại.

Chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh cho một thỏa thuận có tính bắt buộc về thay đổi khí hậu.

Tôi chúc mừng Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 5% trong năm 2009 và Anh quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ cho quá trình cải cách cần thiết để duy trì tính cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới, vì đang chạy đua thì không thể bỗng dưng dừng lại.

Tôi rất tiếc về việc EU gia hạn thuế chống phá giá đối với giày dép do Việt Nam sản xuất và Anh sẽ tiếp tục cổ súy cho tự do thương mại.

Xã hội cởi mở

Tôi hy vọng Việt Nam sẽ tận dụng được các cơ hội mà công nghệ tiên tiến mang lại để thúc đẩy phát triển.

Tôi biết có quan ngại rằng mạng internet có thể mang lại một số đe dọa, thế nhưng tôi cho rằng các lợi ích của internet đối với xã hội lớn hơn rất nhiều.

Tại Anh hồi đầu những năm 1800, một phong trào mang tên Luddite cho rằng việc cơ khí hóa gây hại cho việc kiếm sống của họ, nên tìm cách phá hủy máy móc.

May mà họ không thành công, chứ nếu không, vai trò tiên phong của Anh trong quá trình công nghiệp hóa toàn cầu sẽ không thể nào đạt được và nước Anh sẽ phát triển một cách hoàn toàn khác.

Những người với tư duy tương tự ngày nay có thể lo ngại về điện thoại di động, về Facebook hay các blog.

Năm tới đây, cử tri Anh quốc sẽ đóng góp các ý tưởng về đường hướng phát triển đất nước. Tôi nghĩ một cuộc tranh luận cởi mở về phương hướng phát triển tương lai ở bất cứ quốc gia nào đều là điều tốt.

Nó khơi gợi đóng góp của mọi thành viên trong xã hội và khiến người dân cảm thấy họ có tiếng nói và được quan tâm trong quá trình phát triển đất nước.

Quốc gia nào khuyến khích các cuộc tranh luận như vậy là một quốc gia tự tin.

Ngược lại ngăn chặn, hay quá hơn là trừng trị những ai bày tỏ quan điểm khác biệt một cách hòa bình, sẽ không có lợi cho phát triển về lâu về dài.

Khơi thông tư tưởng, tự do tranh luận, nghiên cứu độc lập và báo chí năng động đều là các thành tố của một nền kinh tế hiện đại dựa trên trí thức.

Trong bất kỳ lĩnh vực gì, dù là thương mại, văn hóa, thể thao, chính trị hay giáo dục, mọi công dân đều cần có quyền có quan điểm riêng và cùng tham gia.

Do vậy, tôi hy vọng hai nước chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ giữa người dân với nhau trong năm 2010, thông qua các hoạt động như Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, World Cup và giải bóng đá Premier League, tăng cường du lịch và học tập, thương mại và đầu tư...

Báo chí nước ngoài như BBC có vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy quan hệ cũng như bảo đảm hình ảnh và thương hiệu Việt Nam được phản ánh một cách trung thực ở nước ngoài.

Chương trình làm việc trên sông Mekong về biến đổi khí hậu mà BBC khởi xướng vừa rồi là một thành công trên khía cạnh đó.

Nếu tôi có một điều ước năm mới, thì tôi hy vọng là sẽ có phóng viên BBC thường trú ở Hà Nội từ cuối 2010.

Chúc mừng Năm mới!


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com