Âu lo tìm đất “chết” tại Hà Nội

May 01, 2010

 

 

 

Nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) ngừng tiếp nhận mộ mới từ 01/7/2010. Việc tìm mua một miếng đất làm nơi an nghỉ cuối cùng của người dân Hà Nội trở nên gian khó hơn bao giờ hết khi Hà Nội ban hành quy chế quản lý và sử dụng nghĩa trang 16/4/2010.

Quy chế chưa về

Trong vai người đi mua đất cải táng cho người quá cố, chúng tôi đã tìm đến một số nghĩa trang ở Hà Nội để "đặt vấn đề" trên. Phường Trung Hòa (Cầu Giấy) có khá nhiều nghĩa trang, nhưng hầu hết đều đã quá tải, chỉ có nghĩa trang Trung Kính còn hoạt động nhưng quỹ đất để thực hiện việc mai táng đã... lấn ra cả những ruộng rau muống. Một nửa nghĩa trang tọa lạc sát khu dân sinh, nửa còn lại phải "ở chung" với ruộng nước. Tưởng chừng như nghĩa trang này bây giờ chỉ còn để hương khói những "người cũ", không còn chỗ để đón "người mới" nữa, thế nhưng một bác đang hái rau muống gần đó cho biết: "Hôm qua, mới có đám ma đấy!".

Chúng tôi vào làng tìm người quản trang. Sau khi đặt vấn đề muốn được cải táng người nhà từ Văn Điển về nghĩa trang Trung Kính, anh N - quản trang trả lời gọn gàng: "Cải táng giờ nào cũng được. Chi phí 1 triệu đồng". "Thế thôi à? Tôi tưởng phức tạp lắm?", chúng tôi ngạc nhiên hỏi lại. "1 triệu đồng là tiền... đưa cho ông T. Chưa tính tiền giá mỗi suất theo quy định hiện hành", anh N nói. Ngắt quãng rồi anh nói thêm: "Đưa đây 200.000đ, tôi lo hết cho". Chúng tôi bày tỏ lo ngại khi UBND thành phố mới có quy định cấm mua bán chuyển nhượng đất nghĩa trang, anh N buông giọng gắt: "Có thấy quy định nào đâu. Ai đến đây mà bắt".

Đa số những quản trang mà chúng tôi tiếp xúc đều không hay biết, hay không quan tâm đến quy chế quản lý và sử dụng nghĩa trang mà UBND TP Hà Nội mới ban hành, bởi "Phép vua thua lệ làng", một quản trang ở làng Phú Mỹ, Mỹ Đình cho biết.

Khó quản lý?

Nhớ lại chuyện tìm đất an nghỉ cho bố vợ, anh Nguyễn Hồ Nam (khu chung cư E1, phố Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) lại toát cả mồ hôi. Bố vợ anh năm nay đã 63 tuổi, bị ung thư gan. Hiện cụ vẫn đang phải truyền hóa chất tại bệnh viện, nhưng theo lời các bác sĩ, cụ có thể đi bất cứ lúc nào nên gia đình phải chuẩn bị tinh thần từ trước. Vậy là dù không muốn, nhưng anh Nam vẫn phải chạy khắp nơi lo tìm đất cho cụ. "Nghe nói Văn Điển đã ngừng việc chôn cất mộ mới. Các nghĩa trang nhỏ trong Thủ đô thì họ đòi phải là người của làng đó mới được... "xem xét", một số khác thì hết quỹ đất rồi. Lỡ bố tôi mà có chuyện gì bây giờ thì gay to", anh Nam ngao ngán.

Anh Nam đã từng đi hỏi mua đất ở 2 địa điểm gần nhà anh là nghĩa trang Láng Hạ (số 27 Vũ Ngọc Phan) và nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính, Thanh Xuân). Tại Láng Hạ thì không còn một mét vuông đất nào nữa. Còn đến Quán Dền, anh cũng không sao tìm cách đăng ký được một suất cho cụ. "Lý do họ không bán đất, dù có trả cao vì các nghĩa trang này chỉ tiếp nhận người làng. Dạo quanh nghĩa trang tôi vẫn thấy những người chết ở quê xa. Người ta nói phải quen thân mới nhờ mua được. Nhà tôi không quen ai đành chịu", anh Nam ngậm ngùi.

Nghe ai đó mách đất chỗ này, chỗ kia mua được phần cho cụ, vợ chồng anh lại dáo dác đến đặt vấn đề nhưng đều nhận được lời từ chối. Hết nước, anh lên tận Từ Liêm hỏi mua với "hội đồng quản trang" ở đây. Và cuối cùng, với cái giá ngất ngưởng 15 triệu đồng cho 3m2 ở một xã cách trung tâm Hà Nội đến 20km đã thuyết phục được những người có trách nhiệm. Từ đó đến nay, khoảnh đất "vàng" vẫn được “cắm dùi”. Nhưng bây giờ, có quy định mới, tuy bố vợ anh bệnh nặng thật, nhưng nếu sự sống của cụ may mắn được kéo dài thì phần đất đã "cắm dùi" của vợ chồng anh có nguy cơ bị tịch thu trở lại. "Mình không phải dân bản địa, táng nhờ, biết mình là ai. Chiếu theo quy định họ lấy lại thì coi như là công toi. Sau này lỡ chuyện xảy ra không biết xoay xở thế nào đây", anh Nam nói với vẻ mặt đầy lo âu.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rằng phần nhiều Ban quản lý các nghĩa trang còn chưa thực hiện nghiêm túc quy định mới của UBND thành phố. Tình trạng mua - bán đất mộ phần tuy có vẻ "kín" hơn nhưng vẫn diễn ra ở một số nghĩa trang trên địa bàn thành phố. Ông quản trang ở nghĩa trang G.T (Hoài Đức) phân trần: "Chính quyền rất khó quản lý bởi quy định ai được mua, ai không được mua không thực sự rõ ràng. Nếu như theo quy định, người ta chỉ cần vào viện xin cái giấy nằm viện và chứng nhận mắc bệnh nan y là được quyền mua đất".

Hiện nay, giá "ngầm" một phần "mộ tươi" (chôn người mới mất) tại nghĩa trang MT lên tới 30 triệu đồng. Phí cải táng cũng ở mức xấp xỉ 10 - 15 triệu đồng. Tính trung bình, mỗi mét vuông đất "chết" có giá tới 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu so với khu vực nghĩa trang trung tâm thì mức giá này còn khá mềm.

 

 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com