“Dòng sông tre” bên bờ sông Hoàng Phố

May 01, 2010

 

 

 

Tại Expo Thượng Hải (Trung Quốc) khai mạc vào ngày 01/5, Việt Nam đã thuê đất dựng pavilion (gian triển lãm mang phong cách kiến trúc đặc trưng của quốc gia), thuê kiến trúc sư thiết kế với phong cách kiến trúc Việt Nam độc đáo.

Một lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Tại 2 Expo trước đây Việt Nam tham gia (2005 tại Nhật và 2008 tại Tây Ban Nha), các pavilion đều được ban tổ chức nước chủ nhà... cho mượn vì “thông cảm” cho các nước nghèo."

Gian triển lãm của Việt Nam thường chỉ 200-300m2, chung với các nước thuộc thế giới thứ ba và không thể mang phong cách kiến trúc riêng biệt vì phụ thuộc nhiều vào nhà xưởng có sẵn và các gian trưng bày “hàng xóm”. Như thường lệ, được ban tổ chức gợi ý cho mượn một gian nhà kho cũ, rộng khoảng 2.000m2, cho các nước cùng “chia nhau”, mỗi nước khoảng 200m2, phần còn lại 700-800m2 sẽ cho các gian hàng của các công ty Trung Quốc xen vào.

Sau khi xem xét thực địa và cân nhắc về vị thế cũng như tiềm lực kinh tế hiện tại của Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thuê một chỗ riêng làm pavilion của mình. Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã được lựa chọn làm người thiết kế pavilion Việt Nam. Công việc bắt đầu từ tháng 9/2009 đến 20/4/2010 mới hoàn thành.

Chủ đề chính của gian triển lãm Việt Nam là “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, cộng hưởng với chủ đề chính của Expo năm nay: Better city - better life (Thành phố tốt đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn). Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa - người gặt hái nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế với những sáng tạo khởi nguồn từ vật liệu tre - quyết tâm đưa tre vào dòng chảy của các pavilion muôn màu muôn sắc bên bờ sông Hoàng Phố.

Khối nhà kho được ban tổ chức bàn giao mặt bằng cho Việt Nam có tường bao, mái và khung chịu lực, vuông vắn, sắc cạnh, chúng ta phải tạo dựng không gian văn hóa Việt Nam chỉ trong phạm vi và hình khối định sẵn ấy: ngang 18m, dài 50m, cao 9m. Một “dòng sông tre” lượn sóng, với tre bao quanh toàn bộ công trình, giảm sức nóng mặt trời. Kết cấu bên trong, các cột tre và vòm tre tạo các bước chuyển tiếp giữa nhiều không gian trưng bày khác nhau. Tre cũng là vật liệu chủ đạo để thiết kế nội thất: bàn, ghế, giá, tủ trưng bày, mành, rèm, đàn k’long pút, đàn t’rưng, sáo... đều là tre và gắn với tre.

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cho biết ban tổ chức xét nét nhất là phần chống cháy của công trình. Chưa từng có tiền lệ về một công trình hoàn toàn bằng tre - chất liệu dễ cháy nhất trong các vật liệu xây dựng - tại các triển lãm lớn ở Trung Quốc. Vì vậy, các kiến trúc sư và kỹ sư thi công Việt Nam đã phải rất vất vả để thuyết trình, chứng minh khả năng chống cháy của các vật liệu tre được mang sang từ Việt Nam.

Đặc biệt, tại Expo lần này, Việt Nam sẽ có một chương trình giới thiệu văn hóa dài hơi và bài bản nhất từ trước đến nay. Liên tục suốt 184 ngày, tại pavilion Việt Nam, các hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ diễn ra đều đặn với 2-3 buổi diễn mỗi ngày, thời lượng 30-45 phút/buổi. Nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam sẽ thay nhau “túc trực” Expo.

Các tiết mục nghệ thuật dân tộc sẽ bao gồm những nhạc cụ mà chỉ Việt Nam mới có: đàn bầu, đàn đáy, đặc biệt là dàn cồng chiêng Tây nguyên, đàn đá Ninh Thuận, Khánh Hòa và các loại đàn dân tộc k’long pút, t’rưng, kèn đá. Ca nhạc cũng vậy, đặc biệt chú ý giới thiệu những làn điệu độc đáo như quan họ, bài chòi, dân ca Bắc - Trung - Nam.

Một nhân tố hoàn toàn mới mà ban tổ chức Expo của Việt Nam năm nay muốn mời gọi là các đoàn nghệ thuật xã hội hóa. Đây là một cơ hội tốt để các nghệ sĩ giới thiệu nghệ thuật Việt Nam với khán giả và tự tìm kiếm khán giả của mình.

Ngoài phần biểu diễn, phần trưng bày sẽ không tản mạn mà tập trung vào chủ đề: đô thị hóa ở Việt Nam - những vấn đề của đô thị: đô thị di sản (Hà Nội, Huế, Hội An), giao thoa văn hóa trong quá trình đô thị hóa, sự lộn xộn trong quy hoạch đô thị... Nhiều hình ảnh tư liệu quý về các đô thị cổ Việt Nam cũng như nhiều cuộc hội thảo về các vấn đề đô thị sẽ được tổ chức suốt thời gian diễn ra Expo.

 

 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com