Động đất và đập thủy điện

April 27, 2010

 

 

 

Thảm họa động đất ở Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc vừa qua không chỉ cướp đi sinh mạng của gần 2.000 người, tàn phá nhà cửa, đường sá... Cơn động đất 7,1 độ Richter này còn đe dọa các con đập thủy điện vốn đầy rẫy trong khu vực.

Tổ chức International Rivers từ 20 năm qua chuyên bảo vệ các dòng sông bị đe dọa trên thế giới đã cảnh báo rằng “đập Xương Cổ (còn gọi là đập Thrangu theo tiếng Tây Tạng) đã bị vụ động đất gây thiệt hại và có thể vỡ bất cứ lúc nào”. Con đập này, nếu vỡ, sẽ đe dọa mạng sống của hơn 100.000 người ở khu vực hạ lưu.

Nguy cơ địa chấn tiềm ẩn từ hồ chứa nước


Qua quá trình theo dõi hơn 100 vụ động đất có liên quan đến các đập thủy điện, từ tháng 3-2009 International Rivers đã công bố một báo cáo trình bày nguy cơ tiềm ẩn gây ra động đất kích thích bởi hồ chứa nước của các đập thủy điện (RIS, Reservoir-Induced Seismicity). Nguy cơ này có thể do chính sức nặng của hồ chứa, đập càng cao hồ càng chứa nhiều nước, càng đè lên các vết nứt địa tầng. Hoặc có thể do nước thấm vào các vết nứt làm thay đổi áp lực trong các vết nứt dưới lòng hồ chứa nước và khu vực xung quanh. Trong trường hợp đầu tiên, nguy cơ vỡ đập là gần kề; còn trong trường hợp thứ hai, nhiều năm sau mới vỡ đập.

Đáng ngại hơn, theo báo cáo này, “nhiều đập đang được xây trong những vùng có các diễn biến địa chấn thường xuyên, như dãy Himalaya, khu vực miền tây Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile...”. Chính vì thế ngày 8-3-2010, International Rivers kêu gọi ngưng xây đập tại các vùng có nguy cơ địa chấn.

Điểm lại danh sách các vụ động đất gần đây nhất, có thể thấy Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thường xuyên xảy ra động đất. Hôm 8-3 vừa qua tại tỉnh Elazig, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra vụ động đất kéo dài 1 phút, dư chấn mạnh 6,2 độ Richter, làm 38 người thiệt mạng. Thiệt hại lần này không bằng trận động đất tháng 8-1999 mạnh 7,4 độ Richter, cướp đi sinh mạng của ít nhất 18.000 người.

Chile cũng thế. Ngày 27-2-2010, ngoài khơi vùng biển Maule của Chile, một vụ động đất 8,8 độ Richter kéo dài khoảng 3 phút khiến trên 700 người chết. Đây là trận động đất mạnh nhất tại nước này kể từ trận động đất 9,5 độ Richter năm 1960. Mới đây ngày 11-4, một trận động đất 4,9 độ Richter đã phá hủy nhà cửa, đường dây điện ở thành phố cảng Bandar Abbas, miền nam Iran, sau trận động đất mạnh 6,1 độ Richter năm ngoái từng khiến khoảng 10 người chết. Trước đó năm 2003, một trận động đất mạnh 6,6 độ Richter ở thành phố Bam, đông nam Iran đã khiến 40.000 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị san phẳng.

Miền tây Trung Quốc cũng là một khu vực dễ xảy ra địa chấn. Vụ động đất tuần qua chỉ là móng tay của vụ động đất ngày 12-5-2008 ở huyện Vấn Xuyên, châu tự trị A Bá, tỉnh Tứ Xuyên, có cường độ 7,8 độ Richter, theo Ủy ban Địa chấn nhà nước Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức quốc tang trong ba ngày để tưởng niệm hơn 80.000 người chết và mất tích.

Đập Tử Bình Phô và động đất Tứ Xuyên

Cách tâm chấn động đất Tứ Xuyên khoảng 20km có đập thủy điện Tử Bình Phố. Đập này được xây dựng trên sông Mân Giang, là một trong 50 đập cao nhất thế giới và là một trong 10 đập đá đầm nén với bề mặt bằng bêtông cao nhất Trung Quốc. Đập cao 156m, dài hơn 500m, dung tích hồ 1,1 tỉ m3, được xây dựng xong khoảng 10 năm gần đây. Trong quá trình thiết kế, các nhà tư vấn thiết kế đập và các chuyên gia địa chấn đã cảnh báo khu vực này nằm trong đứt gãy kiến tạo, dễ xảy ra động đất.

Ngay sau động đất, có hiện tượng các sườn núi bị trượt sạt và đổ ập xuống chắn ngang các sông, suối tạo thành hồ. Đây là mối hiểm họa rình rập tiếp theo động đất, khi mức nước đủ lớn, các “đập” này sẽ bị tràn và vỡ, phá hủy hạ lưu. Theo Xinhua, tính đến ngày 25-5-2008 có tới 34 hồ nước dạng này được tạo thành ở Tứ Xuyên, trong đó có tới tám hồ có dung tích trên 100 triệu m3.

Quân đội Trung Quốc đã hàn lại những chỗ nứt ở đập. Có những ý kiến cảnh báo rằng đập này sẽ ở trong tình trạng nguy hiểm nếu các dư chấn tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, ban quản lý đập Tử Bình Phô cho biết không có nguy cơ vỡ đập.

Trong một thư điện tử gửi các đồng nghiệp láng giềng, tổng thư ký Hội Đập lớn Trung Quốc, giáo sư Giáp cho biết: “Trận động đất đã gây ra những mất mát và tàn phá to lớn. May là việc thiết kế, thi công, vận hành đập trước và sau động đất có chất lượng cao nên không xảy ra hư hại và tai họa nghiêm trọng, nhất là những đập cao, chẳng hạn như đập đá đầm nện có bề mặt bêtông Tử Bình Phô với dung tích hồ chứa 1,1 tỉ m3, cách tâm chấn động đất cấp 8 là 20km... Chúng tôi mừng vì đập đã có thể vận hành sau sửa chữa nhỏ và không gây tai họa cho người dân ở hạ lưu”.

Thế nhưng, đây không phải là ý kiến của nhà địa chất học Phạm Hiểu thuộc Sở Địa chất và khoáng sản Tứ Xuyên. Theo ông, vụ động đất ngày 12-5-2008 xảy ra không đầy ba năm sau khi đập này bắt đầu tích nước. Ý ông Phạm Hiểu là chính khối nước 1,1 tỉ m3, nặng 1,1 tỉ tấn đã dẫn đến vụ động đất khiến hơn 80.000 người chết và 69 đập lớn nhỏ hư hại (The dam that shook the Earth” 19-11-2009).

Việc ông Phạm Hiểu can ngăn việc xây dựng đập Tử Bình Phô xuất phát từ sự thận trọng cảnh báo. Trong khoa học, xã hội hay tự nhiên, đây chính là động lực cho cải tiến, sự thăng tiến cũng như bảo đảm cho sự tồn tại trong an toàn và hạnh phúc của bao triệu người khác. Ông Phạm Hiểu thuộc trường phái cho rằng các hồ chứa nước có thể gây ra địa chấn (RIS). Ông phát biểu: “Đập Tử Bình Phô hội đủ điều kiện để gây ra một cơn địa chấn do hồ chứa nước. Chúng tôi không loại trừ khả năng này do lẽ tâm chấn quá gần con đập” (The dam that shook the Earth” 19-11-2009). Theo quan sát của ông, khối nước nặng 1,1 tỉ tấn của hồ chứa nước trong vòng ba năm đã đè lên các lớp địa tầng. Và khi bị 1,1 tỉ tấn đè thì điều gì cũng có thể xảy ra.

Ngay chính trong thư của Hội Đập lớn Trung Quốc cũng có chi tiết: “Gia tốc động đất thiết kế là 0,26G nhưng kết quả quan trắc cho trị số lớn nhất 2G tại đỉnh. Chuyển vị là: 73cm lún, 20cm về phía hạ lưu, 6,4cm từ bờ trái sang bờ phải”. Tức thừa nhận áp lực nơi con đập là có thật, đo lường được, tuy không thừa nhận sự liên quan đến động đất.

Ông Phạm Hiểu không phải là nhà khoa học duy nhất nghĩ như thế. Nhà vật lý địa cầu Lôi Hưng Lâm của Cơ quan Quản lý động đất Bắc Kinh cũng cho rằng có tương quan giữa đập Tử Bình Phô với cơn động đất. Thật ra, Ủy hội Đập thế giới từng khuyến cáo: “Do lẽ mỗi vị trí xây đập đều có những đặc điểm địa chất riêng, nên không thể dự báo khi nào xảy ra và ở đâu. Tuy nhiên, Ủy hội Đập thế giới khuyến cáo nên quan tâm đến nguy cơ động đất do hồ chứa nước khi các hồ ấy có độ sâu hơn 100m”.

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com