Bali - thiên đường nhiệt đới

April 22, 2010

 

 

 

Bali có thể nhỏ bé - bạn có thể lái xe chạy dọc đường bờ biển bao quanh hòn đảo mà chỉ mất chưa đến 1 ngày - nhưng sự quyết rũ của điểm đến này lại vô cùng lớn lao, sự quyết rũ của một “thiên đường nhiệt đới”.

Đảo Bali nằm ở cực Tây của quần đảo Nusa Tenggara, rộng khoảng 5.632 km2 và có hình dáng giống một chú gà với chiếc mỏ hướng về Ấn Độ Dương. Nhỏ hoàn toàn không có nghĩa là bị hạn chế: Đến Bali, người ta có thể choáng ngợp với khoảng không gian nhột nhịp ở khách sạn hào nhoáng Seminyak, cũng có thể chìm trong khoảng lặng ở những điện thờ đặc trưng của người Hundu hiển hiện mọi nơi; những con đường láng mịn tới khu nghỉ dưỡng hiện đại, thoắt cái lại đến đoạn đường dầy sương mù dẫn lên đỉnh những núi lửa đang yên giấc và bỗng dưng mở ra trước mắt một hồ nước quanh bờ rợp bóng cây; Xuống những thị trấn với những bãi biển ngọt ngào như ở Amed, Lovina và Pemuteran, hay ngước mắt lên tìm những khoảng ruộng bậc thang được cắt tỉa gọn gẽ, đẹp như một bức tranh, hay những cánh rừng nhiệt đới xanh ngút ngàn...

Thăm Bali, có nghĩa là bạn đang đặt chân lên hònđảo thân thiện với du khách nhất Indonesia: Có thể thư giãn với dịch vụ mát xa ngay trên bờ biển hay thả mình trong các bồn spa; dịch vụ shopping mời chào mọi nơi; đồ ăn và nước uống phong phú, là những đồ tươi ngon nhất và được chế biến bởi những đầu bếp giỏi cấp quốc tế.

Đảo Bali cũng là điểm du lịch lớn nhất Indonesia và nổi tiếng vì có nền nghệ thuật phát triển cao, bao gồm vũ, điêu khắc, hội họa, hàng da thuộc, luyện kim và ca nhạc Bali. Nền văn hóa của Bali chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt là văn hóa Hindu, trong quá trình bắt đầu hình thành vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Trong số hơn 3.000 hòn đảo của Indonesia, chỉ Bali có đạo Hinđu phát triển mạnh. Đạo Hindu hòa hợp được với Phật giáo và các đạo theo chủ nghĩa vật linh. Dường như chính vì vậy, với dân số 3,15 triệu người, trên đảo Bali có tới 20.000 ngôi đền, đâu đâu cũng có đền.

Ngôi đền cổ nhất của Bali là đền Pura Besakih. Đây cũng là ngôi đền lớn nhất và quan trọng nhất của người dân Bali, nằm trên ngọn núi Agung được xem là linh thiêng nhất với họ. Với độ cao 3.142 m, Agung là ngọn núi cao nhất Indonesia và là một núi lửa vẫn còn hoạt động. Một ngôi đền nổi tiếng khác ở Bali là đền Ulu Watu, nằm trên một vách núi đứng cao 90 m, từ đền này nhìn xuống, du khách sẽ thấy Ấn Độ Dương xanh biếc mênh mông. Ở phía biển, có ngôi đền thiêng nổi tiếng không kém là Tanah Lot, do những tu sĩ Bà La Môn xây trên một mỏm đá giữa biển vào thế kỷ XVI để bày tỏ lòng kính trọng của con người đối với sự che chở của biển cả, với hình tượng là những con rắn biển được truyền tụng là người bảo vệ ngôi đền chống lại những thế lực xấu xa.

Bali được bao quanh bởi những rặng san hô ngầm. Những bãi biển ở phía nam có màu cát trắng, trong khi những bãi biển ở phía bắc và phía tây cát lại sẫm một màu đen, còn bãi biển ở phía tây nam lại có cả hai màu. Bali không có các đường giao thông thủy lớn, mặc dù Sông Ho rất thích hợp cho các loại tàu bè nhỏ. Các bãi biển có cát đen giữa Pasut và Klatingdukuh được tận dụng để phát triển nguồn lợi du lịch, nhưng vùng bãi biển phía đền Tanah Lot, cảnh vật gần như còn nguyên sơ.

Một thời nổi tiếng với những ông trùm tham chiến và ngành "buôn bán" nô lệ, tiềm năng du lịch nhiệt đới của Bali sau đó được thực dân Hà Lan và sau độc lập là Chính phủ Indonesia khai thác. Hòn đảo này trở thành nơi đổ bộ của dân hippi, tây balô và thu hút du khách nhiều du khách hơn bất kỳ nơi nào của Indonesia.

Nhưng hòn đảo nghỉ mát - đang thu hút những siêu mẫu, những ngôi sao nhạc rốc cũng như hàng nghìn người di cư ít tiền mưu cầu một cuộc sống dễ chịu hơn, có thể trở thành nạn nhân của chính thành công này. Vụ các phần tử khủng bố Hồi giáo cho nổ tung hai quán bar ở khu vực này năm 2002, giết hại hơn 200 người, đã khiến cả Bali bừng tỉnh. Người dân Bali đã ý thức được rằng tiếp nhận những người từ bên ngoài là tiếp nhận cả những mối nguy hiểm chết người.

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com