Sữa nhiễm Melamine tái xuất hiện tại Trung Quốc

February 09, 2010

 

 

 

Hàng trăm tấn sữa pha melamine, pha chế từ năm 2008, gây tác hại sức khỏe 300.000 trẻ em trong đó có 6 nạn nhân tử vong, đã được tung ra thị trường từ tháng 7/2009. Giới quan sát nghi ngờ chính quyền Trung Quốc không thực tâm bảo vệ an toàn thực phẩm.

Thông tin về sữa độc tái xuất hiện trên thị trường đã được một số báo chí địa phương loan tải vào tháng 12/2009 từ Thiểm Tây ở phía bắc đến tận Quảng Đông ở phía nam. Nhưng mãi đến đầu tháng 2/2010, chính quyền Trung Quốc mới chính thức hành động thành lập 8 đoàn điều tra.

Theo tờ China Daily, bản tin Anh ngữ của Nhân Dân nhật báo, thủ phạm là một công ty sữa ở Ninh Hạ đã tung ra thị trường 165 tấn sữa pha melamine, cất giấu trong vụ tai tiếng hồi tháng 9/2008. Cũng theo nguồn tin này thì chính quyền mới tịch thu lại được 72 tấn.

China Daily thừa nhận tai tiếng này “làm nhớ lại” lại vụ xì-căng-đan cách nay chỉ hơn một năm. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc ra lệnh “rút hết” sữa độc ra khỏi các cửa hàng trước ngày 14/9/2008 sau khi tìm cách che dấu thông tin suốt thời kỳ chuẩn bị Thế Vận Hội. Mãi đến đầu tháng 9/2009, khi sữa và sản phẩm biến chế từ sữa của Trung Quốc nhiễm melamine bị Hongkong, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ phát hiện và phản đối, thì Bắc kinh mới chịu chấp nhận sự thật. Tuy nhiên tại Trung Quốc, sữa độc đã giết chết 6 trẻ em và làm 300.000 nạn nhân sơ sinh khác bị suy thận.

Melamine là một hóa chất được dùng trong công nghiệp chế tạo plastic, keo và phân bón. Nhưng các công ty sữa ở Trung Quốc phần lớn là quốc doanh như Tam Lộc, Mông Ngưu pha vào sữa để nâng cao một cách giả tạo tỷ lệ chất đạm protéine, đánh lừa xét nghiệm y tế và người tiêu dùng. Một khi vào cơ thể, melamine làm suy yếu thận.


Mặc dù hình ảnh của Trung Quốc bị thiệt hại trầm trọng trong vụ tai tiếng này nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Kinh không quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Năm công ty bị tố cáo làm ăn bất chính nhưng chỉ có một lãnh đạo bị kêu án tử hình nhưng không bị hành quyết. Hai người bị đưa ra pháp trường là hai kẻ trung gian. Trong khi đó thì những người kiện cáo đòi bồi thường lại bị cảnh sát hù dọa bỏ tù. Ngay luật sư Triệu Liên Hải, người sáng lập hiệp hội “Nhi Đồng Bệnh Thận” trợ giúp tư pháp cho các nạn nhân melamine cũng gặp rắc rối . Ông bị bắt giam hồi tháng 12/2009 với tội danh “gây tranh cãi và rối loạn trật tự” vì đã “xúi giục dân chúng biểu tình trước các tòa án” xét xử vụ sữa nhiễm độc.

Theo nguyên tắc thì sữa pha hóa chất phải bị thu hồi, tịch thu và thiêu hủy cách nay hơn một năm. Nhưng với tai tiếng vừa được công khai hóa cho thấy hàng trăm tấn sữa độc đã được cất giấu an toàn.

Trong những ngày qua, chính quyền Trung Quốc bắt giam tổng giám đốc và giám đốc sản xuất công ty sữa Lạc Khang tại Thiểm Tây và ra lệnh đóng cửa ít nhất 6 công ty khác ở Thượng Hải, Thiểm Tây, Ninh Hạ, Sơn Đông, Liêu Ninh và Hà Bắc. Nhưng ngoài sữa cho trẻ em, bánh kẹo làm từ sữa nhiễm melamine đã được bán ra như các trường hợp được thanh tra phát hiện ở Quý Lâm.

Một lần nữa, giới quan sát hoài nghi quyết tâm bảo vệ an toàn thực phẩm của giới chức Trung Quốc. Theo hãng tin AsiaNews, dường như Bắc Kinh dành ưu tiên ngăn chặn tai tiếng lan rộng hơn là quan tâm đến sức khỏe của người dân. Cụ thể là báo chí được lệnh đưa tin theo thông báo của nhà nước. Tỉnh Quảng Đông cấm hẳn phóng viên độc lập làm phóng sự về sữa.

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com