Trung Quốc ngạo mạn gây ra nhiều va chạm quốc tế

February 08, 2010

 

 

 

Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí "Nhà kinh tế" cho rằng trong một thời gian dài, quan hệ quốc tế của Trung Quốc được định hướng bởi châm ngôn của Đặng Tiểu Bình rằng Trung Quốc cần tự kiềm chế trên vũ đài thế giới. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã tự cho mình là một trong các cường quốc lớn trên thế giới. Thái độ tự tin tăng lên cùng với mong muốn có một vai trò ảnh hưởng tương xứng đã làm cho Trung Quốc trở thành một nước quan trọng hơn trong các mối quan hệ đối ngoại toàn cầu. Hội nghị về biến đổi khí hậu tại Côpenhaghen vừa qua là một điểm nhấn trong tiến trình này. Tuy nhiên, việc thiếu tế nhị ngoại giao đã làm cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc càng quyết đoán thì càng dẫn đến va chạm lớn hơn giữa các đối tác quốc tế.


Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Côpenhaghen, sự mất lịch sự của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc He Yafei đối với Tổng thống Mỹ Obama và các nguyên thủ quốc gia khác, cũng như quyết định của Trung Quốc chỉ cử đại diện tương đối thấp tới tham dự một cuộc đàm phán của các nguyên thủ quốc gia, đã gây ấn tượng xấu đối với nhiều người tham dự hội nghị, những người cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân khiến cho hội nghị này thất bại.


Hội nghị tại Côpenhaghen diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ B. Obama mà trong chuyến thăm đó không có sự nhượng bộ nào được đưa ra. Việc đưa tin về chuyến thăm của Tổng thống Obama bị kiểm duyệt chặt chẽ ở Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc bác bỏ việc can thiệp vào chính sách kinh tế của mình, nhưng Trung Quốc lại nhanh chóng khuyên Mỹ nên giữ mức thâm hụt ngân sách trong tầm kiểm soát và tránh những chính sách làm ảnh hưởng đến giá trị của khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào trái phiếu chính phủ Mỹ.


Sau những vấn đề trên là vụ tranh cãi công khai với Anh về việc Trung Quốc tử hình Akmal Shaikh, một công dân Anh, người bị phát hiện mang theo một lượng lớn ma túy. Đây là vụ Trung Quốc tử hình một công dân của một nước phương Tây lớn đầu tiên trong hơn 50 năm qua. Trong trường hợp này, chính quyền Trung Quốc kiên quyết bảo vệ nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Về mặt ngoại giao, vụ tử hình này như là một điểm xấu trong quan hệ hai nước và nó cũng cho thấy Trung Quốc yếu kém trong việc giải quyết các điểm tranh cãi với chính phủ nước ngoài.


Thái độ của chính phủ Trung Quốc trong các trường hợp nêu trên có thể cho thấy Trung Quốc cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay làm sức mạnh của phương Tây giảm, trong khi Trung Quốc nổi lên là một cường quốc lớn. Vụ Google sẽ là một phép thử về việc liệu chính phủ Trung Quốc có cách tiếp cận mềm dẻo hơn trong các vấn đề tranh cãi quốc tế.

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com