Nhật bỏ kế hoạch dời căn cứ Mỹ

May 05, 2010

 

Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama tuyên bố "không khả thi" trong việc di dời toàn bộ căn cứ Hoa Kỳ gây nhiều tranh cãi trên đảo Okinawa.

Căn cứ của hải quân Mỹ có tên là Futenma khiến nhiều cư dân vô cùng không thích và việc di dời nó từng là cam kết tranh cử then chốt của thủ tướng.

Nhưng trong chuyến đi thăm hòn đảo, ông Hatoyama nói rằng "nói chuyện một cách thực tế thì không thể" di dời toàn bộ căn cứ này.

Dân cư trên đảo muốn di dời hoàn toàn căn cứ quân sự của Mỹ

Hòn đảo là nơi cư trú của hơn một nửa số 47.000 quân Mỹ đóng ở Nhật.

Ông Hatoyama nói trong chuyến công du đầu tiên đến Okinawa từ ngày lên giữ chức vụ thủ tướng, nói rằng việc duy trì căn cứ này ở một mức độ nào đó là cần thiết cho an ninh quốc gia, theo hiệp ước quân sự thời hậu chiến giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ.

"Tôi thực sự tiếc khi đến đây và phải yêu cầu dân chúng Okinawa hiểu rằng một phần của hoạt động căn cứ này cần phải ở lại," ông nói.

Ông kêu gọi dân chúng Nhật Bản hãy "sẵn sàng chia sẻ gánh nặng, vì các căn cứ là cần thiết cho an ninh quốc gia".

Ông Hatoyama là người từng hứa sẽ giải quyết vấn đề đó vào cuối tháng này, được đón tiếp bằng những khẩu hiệu phản đối của người biểu tình đòi đóng cửa căn cứ, ngay trong ngày đầu tiên.

Ông nói bất kể binh lính có di chuyển đến đâu đi nữa thì vẫn "có tiếng nói chỉ trích từ dân địa phương".

Nhưng chủ tịch tỉnh Okinawa, Hirokazu Nakaima nói với báo giới rằng kế hoạch của ông Hatoyama đi ngược lại ý nguyện của dân địa phương, rằng ông vẫn còn thời gian để thay đổi ý kiến.

"Vẫn còn thời giờ đến cuối tháng Năm. Tôi muốn ông ấy tiếp tục cân nhắc điều này với những cam kết bầu cử," ông nói.

Phản đối

Nhật Bản và Hoa Kỳ đồng ý vào năm 2006 là sẽ giảm lượng quân Mỹ đóng ở Okinawa, theo đó Nhật Bản sẽ đóng góp 6,1 tỷ USD để di chuyển 8.000 quân sang đảng Guam ở Thái Bình Dương.

Okinawa giữ vị trí chiến lược trong vùng đông bắc Á

Sân bay quân sự ở Futenma sẽ bị đóng và thay bằng căn cứ mới ở Nago, trong vùng phía bắc ít người sống hơn.

Hoa Kỳ vốn kiên quyết phản đối bất kỳ yêu cầu tái đàm phán nào, và căng thẳng đã làm hại đến quan hệ song phương.

Điều đó cũng làm suy yếu sự ủng hộ cho chính phủ trung tả của Nhật Bản.

Ông Hatoyama lên nắm quyền vào tháng Chín, hứa sẽ lèo lái Nhật Bản theo mối quan hệ độc lập hơn với Hoa Kỳ, và việc tái đánh giá Okinawa là phần trung tâm của cam kết này.

Nhưng sự ủng hộ cho ông giảm trong tháng qua xuống khoảng 20%, một phần do điều được coi là sự thiếu quyết đoán của ông về Okinawa.

Hồi tháng trước, gần 100.000 người tổ chức biểu tình ở hòn đảo miền nam này, đòi phải di dời căn cứ.

Những người trên đảo tức giận trước những vụ việc có liên quan đến lính Mỹ đóng ở đây, bao gồm vụ ba lính Mỹ hiếp dâm một cô gái Nhật Bản 12 tuổi vào năm 1995 và vụ trực thăng rơi ở một khu trường đại học vào năm 2004.

Các than phiền khác tập trung vào mức độ ồn và phản đối việc quân đội Mỹ dùng đất Nhật Bản.

Giới phân tích nói cách ông Hatoyama xử lý vụ căn cứ này có thể sẽ quan trọng trước ngày bầu cử thượng viện Nhật vào tháng Bảy.

Okinawa là điểm mấu chốt trong hiệp ước an ninh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, vốn giúp cân bằng quân sự ở vùng đông bắc châu Á từ sau ngày chiến tranh thế giới lần thứ Hai kết thúc.

Theo hiệp ước thì Nhật Bản - bị ngăn không cho duy trì quân đội sẵn sàng chiến đấu theo hiến pháp hòa bình - được quân Mỹ giúp trong lúc Hoa Kỳ bảo đảm an ninh của Nhật Bản. 

(Theo BBC)

 


 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com