Người Việt tại Đức với truyền thống hiếu học

April 01, 2010


 

 

“Cộng đồng người Việt Nam với truyền thống hiếu học đã hội nhập khá sâu rộng trong xã hội đa văn hóa Đức và có vai trò quan trọng trong hỗ trợ tăng cường quan hệ giữa hai nước”, Giáo sư Martin Grossheim, Bộ môn lịch sử và xã hội Đông Nam Á, ĐH Humboldt Berlin nhận xét.

Giáo sư Martin Grosshei

Bên lề hội thảo Quan hệ Đức - Việt: Quá khứ và triển vọng, tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua, Giáo sư Martin Grossheim, Bộ môn lịch sử và xã hội Đông Nam Á, ĐH Humboldt Berlin nói về cộng đồng người Việt Nam ở nước này.

- Giáo sư đánh giá như thế nào về cộng đồng người Việt Nam tại Đức?

Cộng đồng người Việt Nam tại Đức là cộng đồng châu Á lớn nhất với khoảng 120.000 người. Hiện họ đã hội nhập rất tốt vào xã hội đa văn hóa của Đức. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đã có rất nhiều người Việt Nam thành công tại Đức, thậm chí còn thành công hơn cả nhiều người Đức. Điều này được thể hiện rõ nhất trong số người Việt Nam thế hệ thứ hai, đặc biệt là sinh viên và học sinh. Những người Việt Nam này nói tiếng Đức rất tốt, học các môn rất nổi trội, chăm chỉ và có thành tích cao trong học tập cũng như nghiên cứu.

Có được các thành công này là nhờ đặc điểm nổi bật trong tất cả gia đình người Việt Nam: truyền thống hiếu học. Ngay khi con em được điểm 3 (thang điểm cao nhất là 1), điểm số không hề tồi, thì nhiều phụ huynh Việt Nam lập tức cho con đi học thêm hay thuê giáo viên về dạy. Sau khi Đức thống nhất, cộng đồng người Việt Nam đã gặp phải rất nhiều khó khăn như không có việc làm, kiếm sống vất vả, tuy nhiên với bản chất cần cù, đoàn kết, nhiều người Việt đã chuyển sang kinh doanh và khá thành công.

- Khó khăn lớn nhất đối với cộng đồng người Việt Nam tại Đức hiện nay là gì, thưa giáo sư?

Khó khăn lớn nhất của cộng đồng người Việt Nam tại Đức cũng như tại các quốc gia khác theo tôi chính là việc không có “ngôn ngữ chung” giữa các thế hệ. Thế hệ người Việt Nam thứ nhất tại Đức thì đa số chỉ nói được tiếng Việt và một ít tiếng Đức nhưng trong khi đó, thế hệ thứ hai thì lại nói tiếng Việt không tốt. Các em có thể nói tiếng Việt nhưng nhiều em trong số đó không biết đọc, viết hay phân biệt các dấu, thanh. Chính điều này khiến tôi nghĩ rằng, các thế hệ Việt Nam giữa hai quê hương Đức - Việt hiện đang lơ lửng “giữa các tầng mây”, loay hoay cho hướng đi của mình. Đây cũng chính là mâu thuẫn lớn nhất hiện nay trong gia đình Việt Nam tại Đức và hoàn toàn không tốt cho sự phát triển và gắn kết của cộng đồng người Việt Nam. Các bậc cha mẹ thì muốn con cái gìn giữ những gì là bản sắc dân tộc trong khi giới trẻ thì lại không quan tâm lắm.

- Theo Giáo sư,  cộng đồng người Việt Nam tại Đức làm thế nào để giữ gìn bản sắc dân tộc?

Về phía Việt Nam, chính phủ cần phải có các chính sách mạnh mẽ hơn, chủ động hơn nữa hướng tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Việt Nam cũng cần đầu tư hơn nữa vào các kênh phát thanh truyền hình như VTV4, vừa có vai trò quảng bá cho hình ảnh của Việt Nam vừa giúp người Việt Nam ở nước ngoài hiểu hơn về cuộc sống tại Việt Nam. Hầu như tất cả người Việt Nam, đặc biệt là số công nhân sang Đức theo các hợp đồng xuất khẩu lao động đều xem kênh VTV4 hàng ngày. Để giải quyết khó khăn lớn nhất nói trên thì các lớp học tiếng Việt cho thế hệ người Việt Nam thứ hai có vai trò hết sức quan trọng. Học tiếng Việt sẽ giúp cho các thế hệ người Việt Nam có tiếng nói chung và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Việc xây dựng Ngôi nhà Việt (VietHaus) tại Đức là mô hình tốt cần được nhân rộng. Đây được coi là các trung tâm văn hóa của Việt Nam, không chỉ người Việt mà người Đức hay các nước khác đều có thể đến thăm, ăn món ăn Việt, xem tranh ảnh Việt và hiểu thêm về Việt Nam ngày nay. Thời gian qua cũng chứng tỏ vai trò quan trọng của cộng đồng Việt Nam tại Đức trong việc tăng cường quan hệ hai nước thông qua khai thông các “dòng chảy” kiến thức, đầu tư, kinh doanh từ Đức về Việt Nam và ngược lại.

Ngoài ra, một vấn đề mà chính phủ Việt Nam cần phải quan tâm là hiện nay vẫn tồn tại những khác biệt về suy nghĩ trong cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Trong những năm vừa qua mặc dù cộng đồng người Việt đã có sự tiếp xúc và trao đổi lẫn nhau nhưng vẫn còn những khoảng cách giữa vùng miền, hoặc người đến trước người đến sau.

 

 

 
 

 

© Báo  Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ liên hệ: Điện thoại: (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558 - Email:
Danquyennews@aol.com