Trang nhất
  Xã Luận
  Đọc Báo Trong Nước
  Truyện Ngắn
  Kinh Tế
  Âm vang sử Việt
  Tin Thể Thao
  Y Học
  Tâm lý - Xã hội
  Công Nghệ
  Ẩm Thực

    Diễn Đàn Biển Đông
Phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
    Hình Ảnh Quê Nhà - Video Clip
Hoàng thành Thăng Long bừng sáng với đêm nghệ thuật 'Cùng nhau giữ nước'
    Tin Thế Giới
Toàn cảnh lệnh thiết quân luật tại Hàn Quốc và những tác động sâu rộng
    Tin Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Tokyo, bắt đầu thăm chính thức Nhật Bản
    Tin Cộng Đồng
NATIONAL ASIAN PACIFIC CENTER ON AGING
    Tin Hoa Kỳ
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump
    Văn Nghệ
Độc đáo 2 vợ chồng trẻ từ Hà Nội vào Đà Lạt chinh phục đường chạy 155 km
    Điện Ảnh
Đại diện Việt Nam trở thành nam vương nhỏ tuổi nhất thế giới
    Âm Nhạc
Phản ứng của Hòa Minzy về thông tin mang thai lần 2
    Văn Học
Quỳnh Dao - 'mẹ đẻ Hoàn Châu Cách Cách' tự chấm dứt cuộc sống, đăng di thư lên mạng xã hội

Thông Tin Tòa Soạn

Tổng biên tập:
Tiến Sĩ
Nguyễn Hữu Hoạt
Phụ Tá Tổng Biên Tập
Tiến Sĩ
Nhật Khánh Thy Nguyễn
Tổng Thư ký:
Quách Y Lành




   Truyện Ngắn
Bỏ lại vệt nắng sau lưng
Quách Y Lành

Cánh cửa mở. Gió lạnh ùa vào. Bà Yến khẻ rùng mình, hai vai co rúm lại theo phản ứng tự nhiên. Cái lạnh mùa đông phất mạnh trên mặt, phủ xuống khắp thân thể và đôi chân, khiến bà vội kéo góc mền đắp kín lại.


Xoay mình, tay che miệng ho khúc khắc. Mấy hôm nay trời trở lạnh hơn so với những ngày qua, khiến bà không được khoẻ. Hôm trước khi con trai vào thăm, bà có xin con gói kẹo ho Ricola, loại kẹo bà yêu thích khi chồng bà còn sống, không hề thiếu trong nhà. Bà vẫn nhớ, mỗi lần ông Tùng có dịp đi Costco, ông không quên mang về cho bà một túi lớn. Có khi để lâu hết hạn dùng, ông lại bỏ đi mua thêm.

Hướng hứa sẽ nói Thu mua cho mẹ, nhưng mãi đến hôm nay dâu bà bận rộn với công việc, cũng chưa thể vào thăm đem kẹo ho cho.

Người đàn bà bước vào, với tay đóng ập cánh cửa. Miệng suýt soa than lạnh. Hai tay đan vào nhau, không ngớt thít tha.

Bà Yến ngẩn ngơ nhìn người đàn bà lướt vào mang theo luồng gió lạnh, bà khá thất vọng. Người bà chờ từ sáng nay cho đến giờ này là một người đàn bà Việt, con dâu của bà với mái tóc đen nhánh, chứ không phải bà có mái tóc hung, xa lạ này.

Tiếng công-tắc điện lách tách bật lên, những ngọn đèn trong phòng đã được sáng rực. Chợt nhìn ra bên ngoài nắng đã tắt tự hồi nào bà không hay. Ngồi bất động, đầu óc quay cuồng tê liệt. Bà cảm thấy thất vọng, ngao ngán thở dài. Tay bấm nút trên xe lăn tay quay trở về lại căn phòng. Giường gối vẫn còn đó, ngăn nắp chưa hề đụng đến. Bà lăn người vụt ngã dài trên mặt nệm. Thức ăn chiều vẫn cũng còn đó, cũng chưa hề đụng đủa tới. Suốt một ngày bà nôn nao chờ đợi. Sáng sớm con trai bà gọi điện thoại cho hay, sau giờ làm việc chiều nay, Thu sẽ ghé lại thăm bà. Quá vui mừng, bà không cảm thấy đói nên không chú ý đến bữa ăn sáng. Ngay cả bữa cơm trưa, bà bảo cô y tá cứ mặc bà, để thức ăn lên bàn cho bà, lúc nào cảm thấy đói sẽ ăn.

Khi mọi người lục đục vào bàn ăn cơm trưa, bà đã lăn xe ra khỏi phòng ăn ngồi chờ dâu bà tới. Cho mãi đến giờ này, bà mới sực nhớ quay xe về phòng để đi vệ sinh. Bà lo sợ, không biết con dâu của bà có gặp chuyện gì không may, hay làm việc trễ nên không lại…Từng ý nghĩ, từng lo sợ vương lên trong đầu, bà lại lẩm bẩm trong miệng cầu nguyện. Bà hy vọng, Chúa sẽ che chở cho con bà bình yên.

Ngọn đèn vàng hắt hiu ngoài cửa sổ dọi vào phòng. Buổi chiều khá lạnh lẽo, bóng tối vây quanh. Giờ đây, không một người nào thân thuộc bên bà. Hai đứa con gần như xa lìa từ ngày bà vào viện dưỡng lão này. Trước đây, khi mới vào nơi này thỉnh thoảng Hướng đưa vợ con ghé vào thăm viếng vài ba chục phút, nhưng dần dần cả hai vướng bận công chuyện nên đôi khi hẹn rày hẹn mai, nhiều lý do không thể ghé lại thăm bà, như bà hằng mong đợi. Oanh ở xa, thỉnh thoảng gọi điện thoại thăm bà, chứ cũng ít khi về. Bà cũng hiểu được hoàn cảnh của hai con, với mức lương khá cao, công việc càng nhiều, chuyện thăm viếng càng khó khăn hơn. Biết thế, nhưng bà vẫn ngong ngóng chờ đợi con.

Bà vẫn còn nhớ, ngày ông Tùng chồng bà còn sống, gia đình bà ấm êm hạnh phúc biết bao. Ông săn sóc bà từng miếng ăn giấc ngủ, mặc dù tay chân ông khá vụng về, nhưng bà không quan tâm, cảm thấy ấm lòng khi có ông bên cạnh. Cử chỉ yêu thương hằng ngày, khiến cho bà thấy mình quá hạnh phúc, cho đến khi ông mất đi, bà mới cảm thấy khá hụt hẫng.

Cho mãi đến bây giờ bà ngẫm nghĩ và thấu hiểu không tình nào bằng tình vợ chồng. Chỉ có vợ chồng mới chăm nom, thương yêu nhau quấn quýt nhau. Con cái lúc còn nhỏ ngày ngày quanh quẩn bên cạnh cha mẹ, nhưng khi lớn khôn lên chẳng khác gì những con chim đủ lông đủ cánh tung cánh bay xa ngàn dậm, không hề đoái hoài tổ ấm ngày xưa.

Bà ưu tư suy nghĩ. Phải chi đừng nghe con, bán căn nhà kỷ niệm của hai vợ chồng biết đâu giờ nay bà vẫn còn tự mình săn sóc bản thân, mặc dầu đôi chân bà yếu kém. Nhưng …

Ba năm sau khi chồng bà mất đi, trong căn nhà quá lớn bà ở một mình. Nhiều khi bà cảm thấy lo lắng, ban đêm ban hôm lỡ có chuyện không may, các con ở xa làm sao bà xoay trở. Lúc đầu khi con và dâu đề nghị về ở chung với vợ chồng nó, bà liền từ chối cho dù con có ý tốt.

Đã nhiều lần nghe các bà bạn kể lể hoàn cảnh ở chung với con cái khổ sở lắm, làm gì cũng áy náy, lo sợ con không bằng lòng, mất hạnh phúc của con, khiến bà khá suy nghĩ. Nhưng trong lòng bà luôn luôn tìm lý do để an ủi, đó là con họ không tốt chứ con và dâu bà thăm hỏi mỗi ngày, còn mang thức ăn đến hàng tuần, trong nhà chẳng thiếu món gì, làm sao có chuyện con cái bỏ bê.

Nghe xong, bà chỉ mỉm cười không hề có ý kiến gì. Bà thầm suy nghĩ, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, có ai giống ai đâu. Bà tự hào, gia đình bà khác xa. Bà cũng thường trách khéo những người bạn, nếu mình biết ăn ở, coi dâu như con gái, nó sẽ đối xử với mình khác hơn chứ. Đó cũng là câu nói của mẹ bà thường nói trước đây, và cũng là bài học đáng cho bà ghi nhớ. Thu, vợ Hướng vẫn thường nói với bà:
-Mặc dù con chỉ là dâu của mẹ, nhưng mẹ đã thương yêu con như con gái, con thật may mắn được làm dâu của mẹ.

Nghe dâu nói như thế, bà cảm thấy sung sướng và hãnh diện tấm lòng tốt của đứa con dâu biết sống với cha mẹ chồng. Không dễ tìm thấy ở thời đại văn minh này. Thu dịu dàng, thật gần gũi với bà. Gần gũi hơn cả Oanh, đứa con gái duy nhất của vợ chồng bà nữa.

Trước ngày đồng ý bán nhà về ở với con, không ít nhiều Oanh ngăn cản mẹ. Bảo mẹ sẽ ân hận với quyết định này. Bà đã bênh vực Thu, nhìn con gái bằng đôi mắt muộn phiền, trách cứ Oanh lòng dạ hẹp hòi.

Khuyên mẹ mãi không được, Oanh vùng vằng bỏ về lại Boston. Thái độ hằn học của con gái khiến bà thương dâu nhiều hơn.

Có lẽ giận mẹ không nghe lời, Oanh chỉ gọi về thăm bà qoa loa chừng vài ba phút, viện cớ bận công việc, đôi khi cắt ngang điện thoại, khiến bà chưng hửng. Có đôi khi bà muốn nói với con gái những điều bà muốn nói nhưng thời gian trò chuyện chỉ trong vòng giới hạn. Nhiều lần, bà ao ước ôm Oanh vào lòng như ngày nào, nói với con lời âu yếm như ngày nào, bà thèm những cử chỉ nhỏ nhặt như thế, đối với bà đó là niềm an ủi lớn lao khi lứa tuổi ngày càng cao. Nhưng Oanh khéo léo tránh né. Bà cũng đọc được khi nhìn vào đôi mắt của con. Nhất là cuộc sống ở đây, con cái mới lớn, vừa đúng mười tám tuổi, lứa tuổi sửa soạn vào đại học đã nghĩ có thể tự lập, muốn sống riêng biệt, xa vòng tay thương yêu của cha mẹ.

Ngày ông Tùng còn sống, mỗi năm đến ngày sinh nhật của hai con, bà không lấy làm mừng, nhưng trái lại khiến bà lo buồn, con càng mau lớn càng xa mình nhanh hơn thôi. Ông trêu bà:
-Mình cứ mãi lo chuyên bao đồng. Có gì to lớn tồi tệ lắm đâu, phải suy nghĩ vẫn vơ. Đó là định luật cuả tạo hóa. Cuộc đời mình và các con có khác gì nhau. Tụi nhỏ lớn khôn lên, rồi cũng như mình. Học hành, trưởng thành và lập gia đình. Con chim với đôi cánh cứng cáp chỉ trông chờ bay lên bầu trời xa lạ. Tách lìa tổ ấm. Tách rời cha mẹ. Mặc dầu cái bọc nhung êm ái của gia đình cũng không thể giữ mãi chúng được. Có như thế, chúng mới hiểu và cảm nhận được gió mưa, giông bão. Các con cũng giống như những con chim, một khi đã đến tuổi trưởng thành, chỉ muốn bay ra ngoài để biết được hơi sương gió lạnh. Bà có lo chăng nữa, cũng không ngăn được. Mình phải chấp nhận thôi.

Ước mơ chỉ là mơ ước, cuộc đời không bao giờ như lòng mình mơ ước, nhỏ nhoi. Biết như thế, nhưng bao giờ trong lòng người mẹ vẫn luôn luôn giữ những ý nghĩ…

Ngôi nhà bán đi, bà kiếm được kha khá. Hướng đề nghị mẹ nên bỏ vào ngân hàng kiếm tiền lời hàng tháng. Bà chỉ dành chút ít gọi là làm vốn, nghĩ nay mai dọn vào ở chung với vợ chồng Hướng, vợ chồng con sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nên bà đưa cho hai vợ chồng Hướng một nửa, món tiền còn lại cho Oanh môt phần, còn lại bà bỏ vào trương mục sau này cho hai đứa cháu nội. Oanh từ chối mãi không nhận tiền mẹ cho, bà năn nỉ lắm nó mới chịu.

Mấy tháng dọn về ở chung với dâu con, bà vui lắm. Mặc dầu Thu rất bận rộn với công việc hàng ngày, nhưng vẫn cố gắng lo cho bà từng miếng ăn ngon. Hướng cũng lo cho mẹ không kém. Lắm lúc bà thật sự ngại ngùng, nhưng Thu khoát tay không cho bà suy nghĩ những điều vẩn vơ. Đó là bổn phận con cái. Nghe dâu nói, bà cũng cảm thấy yên tâm, không còn suy nghĩ.

Công việc của con có vẻ như càng ngày càng bận rộn nặng nề hơn, khiến bà không yên tâm nhìn con đi sớm về khuya. Lắm lúc bà nghe Thu cằn nhằn và gắt gỏng hơn trước. Hướng cố gắng làm những công việc nhà giúp vợ, nhưng Thu không mấy hài lòng. Nhiều lần chờ cho hai con đi làm xong, bà lẻn ra bếp soạn thịt cá nấu những món ăn trước đây hai con vẫn ưa thích. Bà cố nấu thật vừa miệng con, nhưng từ ngày ông Tùng mất đi, đầu óc bà dường như có vấn đề. Mặc dầu bà cố gắng chú trọng khi nấu ăn, nhưng đôi lúc tay chân lẩn thẩn, quên nêm nếm khiến không vừa miệng con.

Thu phàn nàn, trách nhẹ:
-Mẹ hãy để công việc nội trợ cho con.
Ban đầu Hướng nhìn mẹ bằng đôi mắt e dè khi nghe Thu phàn nàn. Nhưng dần dần Hướng cũng theo Thu, cau mắt nhìn mẹ khó chịu.

Một phần thương con, thương cháu bà không tỏ thái độ buồn phiền cúi đầu nhận những lời phàn nàn của con. Bà biết tuổi càng ngày càng lớn, bà không làm sao tránh khỏi những lỗi lầm, cho dù trong lòng của bà muốn giúp đỡ con, tránh lời phàn nàn.

Bà ôm lấy nỗi buồn không dám thổ lộ cùng ai, bởi trước đây bà đã trách cứ bạn bè và cả Oanh. Chỉ có Thanh, đứa cháu gái, dường như nó hiểu được nỗi lòng của bà.

Nhiều lần Thu tỏ thái độ bực dọc, bắt gặp bà rướm rướm nước mắt, nó chạy lại ôm bà dù không biết nói những lời an ủi, nhưng bao giờ cũng hỏi:
-Bà ơi! Bà Okay không?
Hai ngôn ngữ xen trộn lẫn nhau, nhìn đôi mắt ngây thơ của cháu, lắm lúc khiến bà đang buồn cũng phải phì cười.

Nỗi muộn phiền ngày càng giăng kín, bà không biết xoay trở thế nào. Căn nhà đã bán mất, không còn nơi nào nương tựa. Phải chi bà nghe lời con gái…nhưng có tiếc cũng đã quá muộn. Ông Tùng đã mất. Oanh thỉnh thoảng mới gọi về thăm bà vài ba phút rồi cúp máy. Bà đành lẳng lặng ôm lấy nỗi buồn vào lòng.
Đã nhiều lần bà có cảm giác khi ngồi bên con, dường như Hướng ngập ngừng có điều gì muốn nói với mẹ. Bà nuôi con bao nhiêu năm, hiểu tính con hơn ai hết, cố tình làm như không hay biết, bà cúi đầu chờ đợi để mặc cho con tự nhiên, nhưng cuối cùng Hướng bỏ đi không mở lời.

Liên tiếp mấy hôm nay, vợ chồng Hướng đi làm về khá muộn, kể cả hai đứa nhỏ. Buổi sáng trước khi đi làm, Thu dặn bà, buổi chiều thấy đói bụng, ăn thêm trái cây hoặc ít bánh quy chờ Thu về nấu cơm chiều. Nghe con dặn dò trước khi đi làm, bà gục đầu cho con yên tâm. Thật ra tuổi già của bà mỗi ngày ăn được bao nhiêu. Bà cũng không cảm thấy đói như con lo lắng. Dạo này bà lo buồn và suy nghĩ nhiều, cộïng thêm chứng mất ngủ nên bà sụt cân thấy rõ. Biết thế nhưng bà không quan tâm mấy chuyện ăn uống, chỉ mong lòng được bình yên.

Từ lo nghĩ đến buồn phiền, có những lúc cảm giác cô đơn sợ hãi đến trong khoảng khắc khi bà nhìn chung quanh căn nhà, bốn bức vách bao bọc, khiến bà hoảng hốt. Bà chỉ biết nhìn chăm chú lên tấm hình của ông Tùng và trò chuyện như thể ông đang còn sống trước mặt. Bà thèm đôi tay ấm áp của ông, thèm lời an ủi dịu dàng và nụ cười hiền hậu, không đời nào bà có thể quên được. Bà bùi ngùi nhớ ông…

Khi vợ chồng Hướng về đến nhà, mặt trời đã khuất bóng từ lâu. Thấy các con về trễ, lòng bà hồi hộp, lo lắng. Nhưng tai bà nghe tiếng xe hơi tắt máy, tiếng ga-ra đóng lại, bà mới nhẹ nhõm trong lòng. Hai đứa cháu chân tung tăng bước vào nhà, Thanh, cháu bà miệng liếng thoắng:
-Bà ơi! Ba mẹ cháu đã…

Cháu chưa nói hết câu, Thu đằng hắn nạt đùa:
-Vào phòng thay áo quần đi…Về đến nhà miệng mồm liếng thoắng.
Con bé nhìn bà, rồi lại nhìn mẹ. Không giấu nỗi bực bội, đôi chân nặng nề dẫm lên sàn gỗ, bất mãn bỏ đi thẳng vào phòng.

Bữa cơm chiều im lặng hơn mọi hôm. Hai đứa cháu không nói chuyện rôm rã như thường lệ, lẵng lặng ngồi ăn không lên tiếng, ngay cả hai vợ chồng con bà cũng im lìm.

Không khí buổi chiều khá nặng nề. Bà ăn vội miếng cơm, gát đũa định bụng sẽ bước vào phòng. Nhưng vừa đứng dậy, Thu đã lên tiếng:
-Mẹ, khoan vội đi, vợ chồng con có chút chuyện muốn bàn với mẹ.
Bà nhìn hai con bằng đôi mắt dò xét:
-Có chuyện gì quan trọng sao con?
-Dạ…Thu ngập ngừng.
Hướng tiếp lời vợ:
-Vợ chồng có chút chuyện muốn bàn với mẹ.

Bà chăm chú nhìn con rồi nhìn dâu dò hỏi, bà linh cảm chắc là chuyện gì quan trọng nên trong suốt bữa cơm, thỉnh thoảng bà bắt gặp hai con nhìn nhau bằng đôi mắt khá lạ.

Hướng đằng hắn, nói nhanh:
-Mẹ…Vợ chồng con tìm được ngôi nhà cho những người bằng tuổi mẹ tạm trú để có người săn sóc mẹ mỗi ngày. Nơi đó, vừa là nơi có những khu giải trí và họ lo ăn uống, thuốc men cho mẹ. Không những thế, mẹ sẽ có bạn bè nói cùng chung tiếng nói…

Thu ngắt lời Hướng:
-Ý anh nói có người Việt mình đang tạm trú trong đó. Họ nấu thức ăn Việt và Mỹ, hầu như không thiếu thứ gì cả. Chỗ ở thoải mái, đầy tiện nghi mẹ à.
Vợ chồng con suốt ngày đi làm, không yên tâm khi nghĩ đến mẹ ở nhà một mình. Nhỡ có chuyện gì khẩn cấp, cần kíp làm sao tụi con về kịp. Công sở cả hai đều qua xa nhà, con không biết làm sao hơn. Vã lại chỗ này cũng gần nhà, lúc nào mẹ cần gì cứ gọi về vợ chồng con sẽ đến ngay…

Giọng Thu đều đều, nhưng dường như bà không còn nghe nó nói gì nữa. Bà như người lạc hướng, đầu óc bà giờ đây quay cuồng. Đôi tai rối ù.

Thật sự, bà chưa hề nghĩ tới chuyện vào viện dưỡng lão, nơi mà hai con bà gọi là ngôi nhà tạm trú. Một nơi mới nghe qua bà đã cảm thấy sợ hãi. Từ lâu bà tin tuởng ở hai con. Lời của Thu nói trước đây, như một lời hứa, khiến cho bà yên tâm, cảm phục. Tiền ngôi nhà bà bán đi, giao cho cho con giấy mực vẫn chưa khô. Nay hai con muốn tìm cho bà ngôi nhà nôm na gọi là nhà tạm trú, khiến cho bà sững sốt bất ngờ. Bà còn nhớ, cử chỉ của Oanh vùng vằng trách móc mẹ:
-Mẹ sẽ hối hận… khi nghe những lời ngon ngọt của anh chị. Một ngày nào đó, họ sẽ từ chối cho mẹ ở trong nhà…Mẹ tin lời anh Hướng, bán nhà nhưng không thèm suy nghĩ kỹ càng hơn, Nếu bố con còn sống, có lẽ bố sẽ chống đối quyết định của mẹ. Vợ chồng con ở xa, không thể nào săn sóc mẹ. Vã lại trong lòng mẹ luôn luôn nghĩ phải sống với con trai, con gái làm dâu người ta, nhưng còn con dâu thì sao? Lúc mẹ còn đầy đủ sức khoẻ, mọi chuyện coi như không sao, nhưng một ngày nào sức khoẻ mẹ yếu đi, có ai còn hơi sức để săn sóc mẹ nữa. Câu nói của con gái làm cho bà phiền lòng. Nhà chỉ hai anh em, nhưng Oanh luôn luôn đối nghịch cùng anh chị. Khiến bà không an tâm tí nào. Nay tình huống đã thay đổi, bà sững sờ. Ngạc nhiên, hụt hẫng. Tay chân bà lạnh băng. Bà muốn quay người bỏ vào phòng, nhưng cả người bà như dính chặc trên chiếc ghế. Những lo sợ từ lâu đang chợt đến, như đe doạ. Bà ngước nhìn tấm hình ông Tùng treo trên vách, bỗng oà khóc nức nở…

Hướng thấy mẹ không nói câu nào, bỏ vào phòng, anh đưa mắt nhìn vợ. Không biết quyết định của vợ chồng mình có vội vàng và quá đáng lắm không? Nhưng Hướng sực nhớ lại những đêm Thu nằm bên cạnh đem lời than thở, trách móc sao phải săn sóc bà mẹ chồng mỗi ngày trong lúc những người đồng nghiệp về tới nhà không phải đụng tay đến bất cứ điều gì, kể cả công việc nấu nướng trong gia đình…Hướng cũng biết từ ngày có mẹ, Thu khá bận rộn. Vì thế, Hướng đã phụ tay giúp Thu trong công việc hàng ngày. Nhưng tiếng trách móc của Thu không giảm đi mà còn nặng nề hơn mỗi đêm về.
Chiều nay trên con đường về nhà nghĩ đến mẹ, lòng anh nặng trĩu khi phải đối diện mẹ với những đề nghị đưa ra trước mặt bà. Khổ nỗi, Hướng không biết làm sao hơn, khi nhớ đến những lời than thở phàn nàn của Thu, anh đành buông tay.

*****

Sau tuần lễ theo lời đề nghị của Thu, bà biết không thể nào ở nán lại trong nhà của con. Bà run rẫy quyết định.

Thu mừng ra mặt, hứa sẽ đến thăm bà đều đặn. Hướng dạo này, làm như trốn tránh không muốn gặp mẹ nhiều. Ăn uống xong, bỏ vào phòng làm việc cho đến khuya lơ khuya lắc mới chịu tắt đèn về phòng. Không khí gia đình thêm vẻ nặng nề.

Buối chiều thứ sáu, vợ chồng Hướng sửa soạn đưa bà tới khu nhà “tạm trú” như lời Thu nói, bà đã lạnh lùng bước đi, đôi mắt ráo hoảnh…dường như nước mắt đã khô cạn. Ôm tấm hình ông Tùng trên tay ép vào lòng, không dám quay mặt nhìn lại khi thấy hai đứa cháu khóc lóc sau cánh cửa kính, tay với không trung…

Không biết bà ngủ quên đã bao lâu, khi bà choàng tỉnh dậy, khu nhà dưỡng lão không còn tiếng động, tất cả rơi vào trạng thái im lìm.

Nhìn xuống bộ áo quần trên người, vẫn còn tươm tất, chứ không phải trong chiếc áo ngủ như mọi hôm. Bà sực nhớ…chiều hôm qua sau một ngày ngồi chờ Thu cho mãi đến tối, biết không còn hy vọng, bà đã trở về phòng nằm vật trên giường và…tìm quên đi trong giấc ngủ.

Dường như trong giấc mơ, bà cũng ngồi chờ cho mãi khi nắng chiều vẫn còn vương vấn, nhưng…cuối cùng bà cũng đành bỏ lại vệt nắng sau lưng…

DanQuyen.com (Theo danquyen.com)
    Phản Hồi Của Độc Giả Về Bài Viết
Họ và Tên
Địa chỉ
Email
Tiêu đề
Nội dung
Gửi cho bạn bè Phản hồi

Các bài viết mới:
    16 Mét Vuông (27-10-2024)
    À! Chuyện Chiêm Bao (27-10-2024)
    Afica (27-10-2024)
    Ai Biểu Xấu (27-10-2024)
    Âm Thanh Im Lặng (10-10-2024)
    Anh Béo Và Anh Gầy (10-10-2024)
    Ăn Đòn Hội Đồng (10-10-2024)
    Ai Mua Hành Tôi (10-10-2024)
    27 Bước Chân Là Lên Thiên Đường (10-10-2024)
    17 Năm Và 17 Ngày (10-10-2024)
    Bánh Trôi Nước (10-08-2024)
    Bánh "út Ít" (10-08-2024)
    Ban Mai Bình Yên (10-08-2024)
    Bà Nội Và... (10-08-2024)
    À! Chuyện Chiêm Bao (10-08-2024)
    16 Mét Vuông (10-08-2024)
    48 Giờ Yêu Nhau (23-05-2024)
    Ác Giả Ác Báo (23-05-2024)
    16 Mét Vuông (23-05-2024)
    Xa Xóm Mũi (31-03-2024)

Các bài viết cũ:
    Tiếng kinh chiều (19-12-2021)
    Gió Đêm (16-10-2021)
    Vẫn còn chút nắng (30-11-2019)
    MẸ TÔI (24-10-2019)
    FOR MY FIRST LOVE (30-09-2019)
    ÁNH TRĂNG VÀ KẺ HAI LÒNG (08-09-2019)
    GIÀU, NGHÈO KHÔNG PHẢI YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH BẢN LĨNH CỦA MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG. (18-08-2019)
    KHÔNG BAO GIỜ CÓ CÁI ĐƯỢC GỌI LÀ SỐ PHẬN HAY ĐỊNH MỆNH (26-07-2019)
    MỖI NGÀY LÀ MỘT NGÀY ĐẶC BIỆT (11-07-2019)
    GẶP MẸ TRONG MƠ (29-06-2019)
    MÀU NƯỚC MẮT (25-05-2019)
    THƯƠNG QUÁ NHÃN LỒNG (04-05-2019)
    KHI CÁI CHỮ KHÔNG GÁNH NỔI NỢ ĐỜI (12-04-2019)
    TÂM SỰ BÁC SỸ (25-03-2019)
    Hạt giống thời gian (09-03-2019)
    Người về hay đi - Truyện ngắn của Ái Duy (11-11-2018)
    Sông xa - Truyện ngắn của Hồ Thị Ngọc Hoài (27-10-2018)
    Mùi của rác - Truyện ngắn của Nguyễn Trí (11-10-2018)
    Một cơn điên - Truyện ngắn của Hoàng My (04-10-2018)
    Cầu vồng dưới chân - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền (28-09-2018)
 
"Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Chuyển Tiếng Việt


    Truyện Ngắn
16 Mét Vuông


   Sự Kiện

Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn





 

Copyright © 2010 DanQuyen.com - Cơ Quan Ngôn Luận Người Việt Hải Ngoại
Địa Chỉ Liên Lạc Thư Tín:
E-mail: danquyennews@aol.com
Lượt Truy Cập : 156986607.